Yahoo đã có cơ hội thay đổi dòng chảy lịch sử, nếu lãnh đạo công ty có những bước đi đúng đắn hơn.

Yahoo có thể xem là biểu tượng của sự hồi sinh ở thời kỳ bong bóng dot-com hồi cuối thập niên 90. Giữa cơn bão đó, Yahoo đã vươn mình trở thành tượng đài của Internet thế giới với tăng trưởng thần tốc nhờ duy trì một loạt các dịch vụ thu hút hàng chục triệu người truy cập vào website Yahoo.com thời điểm đó.

Mặc dù đã suy yếu đáng kể từ cuối thập niên 2010, Yahoo vẫn có ít nhất vài ba cơ hội để trở mình nếu có những quyết sách quyết đoán hơn nữa. Đáng tiếc là tám đời lãnh đạo của công ty này (trong đó có hai vị CEO tạm quyền) đã không thể lật ngược được ván cờ tàn.

Đồng ý mua lại Google

Đó là vào năm 1998, Google của hai cậu sinh viên trẻ tuổi Larry Page và Sergey Brin vừa mới được thành lập. Bộ đôi muốn bán nó với giá 1 triệu USD để tập trung vào việc học tập ở Stanford.

Yahoo đã từ chối lời đề nghị này, nhà đồng sáng lập David Filo thậm chí còn giới thiệu cho cả hai gặp nhà đầu tư thiên thần Michael Moritz, một trong những người góp vốn đầu tiên vào Google.

Yahoo đã có kết cục khác nếu một trong những điều này xảy ra
Nhà sáng lập Yahoo, David Filo đã để vuột mất con cá to nhất trong đời mình.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại tại đó. Năm 2002, Yahoo lại có thêm cơ hội để sửa sai. Lần này CEO Terry Semel đưa ra cái giá 3 tỷ USD vào thời điểm đó, nhưng Page và Brin cho rằng cần đặt ít nhất 5 tỷ USD lên bàn đàm phán.

Sau này, năm 2018, trong cuốn hồi ký của cựu giám đốc kinh doanh cao cấp ở Yahoo thời đó, Jeremy Ring đã phải thốt lên rằng: “1 triệu USD có lẽ là đề nghị ngon nhất lịch sử Thung lũng Silicon, nước Mỹ, Trái Đất và Dải ngân hà”.

Yahoo khi đó quá tự tin với định giá 125 tỷ USD, là công ty Internet lớn nhất hành tinh vào thời điểm đầu thập niên 2000. “Chúng tôi giá trị hơn Ford, Chrysler và General Motors cộng lại. Quỷ tha ma bắt, chúng tôi cũng giá trị hơn cả Disney, Viacom và New Corp gộp lại. Mỗi thương hiệu vĩ đại của nước Mỹ đều có thể bị chúng tôi nuốt chửng”.

Thâu tóm thành công Facebook

Đó là một ngày hè oi ả tháng 07/2006, trong căn phòng họp chật chội ở trụ sở tạm của Facebook, chàng trai 22 tuổi Mark Zuckerberg cùng với hai nhà đầu tư Peter Thiel và Jim Breyer thảo luận về việc có nên bán mình.

Khi đó, Facebook nhận được lời đề nghị trị giá 1 tỷ USD tiền mặt từ Yahoo. Mạng xã hội non trẻ này mới có khoảng 8-9 triệu người dùng, doanh thu 20-30 triệu USD và vẫn chưa có lãi.

Cả Thiel và Breyer đều đồng ý với thương vụ béo bở này, cầm tiền chia nhau để tận hưởng ly cocktail Mojito mát lạnh trên du thuyền ở đảo Hawaii.

Riêng chàng trai trẻ vừa bỏ học Harvard nhất quyết phản đối. “Đây chỉ là một cuộc họp ban quản trị thông thường, không đến 10 phút. Chúng ta chẳng có gì để bán ở đây cả”.

Yahoo đã có kết cục khác nếu một trong những điều này xảy ra
Mark Zuckerberg khi đó mới chỉ là một sinh viên vừa bỏ học nhưng đã rất quyết đoán.

Zuckerberg vô cùng tự tin bởi Facebook khi đó chuẩn bị mở ra tính năng News Feed còn Yahoo chẳng biết phải làm gì với các sản phẩm đã cũ của mình. Tất nhiên ở thời điểm đó, Zuckerberg đã bị gạch đá tưng bừng bởi quá ‘ảo tưởng sức mạnh’. Nhưng rồi phần còn lại đã trở thành lịch sử.

Facebook được định giá 90 tỷ USD khi IPO vào năm 2012, trở thành sự kiện lớn nhất trong lịch sử Thung lũng Silicon đối với một công ty công nghệ lần đầu bán cổ phiếu ra công chúng. Chuyện đó có thể đã không xảy ra nếu ngày đó Facebook chịu bán mình cho Yahoo.

Bán mình cho Microsoft

Đó là một ngày đầu xuân năm mới tháng 01/2008, gã khổng lồ phần mềm Microsoft khi đó đã đề nghị mua lại Yahoo với cái giá 44,6 tỷ USD, nhằm chống lại sự lớn mạnh của kẻ thù mới nổi ở mảng tìm kiếm Google.

CEO Steve Ballmer của Microsoft khi đó rất kiên trì với kế hoạch mua lại khi đã bỏ ra 18 tháng đàm phán với lãnh đạo cấp cao của Yahoo. Đáng tiếc, sự thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo của Yahoo quá nhanh khiến Ballmer không kịp trở tay.

Thời điểm đó, Microsoft đã đưa ra một đề nghị rất hời là các cổ đông của Yahoo có thể chọn lấy 31 USD tiền mặt mỗi cổ phiếu, hoặc đổi một cổ phiếu Yahoo lấy 0,9509 cổ phiếu Microsoft.

Yahoo đã có kết cục khác nếu một trong những điều này xảy ra
Yahoo đã có cơ hội sửa sai khi về với Microsoft nhưng kết cục đó đã không xảy ra.

Microsoft đã tìm mọi cách đẩy nhanh tiến độ thâu tóm các công ty trong lĩnh vực quảng cáo như Yahoo, bởi Google khi đó đang trên đà phát triển quá thần tốc và gần như không gì ngăn cản nổi.

Đến tháng 05/2008, Microsoft quyết định từ bỏ thương vụ này khi ban lãnh đạo Yahoo nhất trí từ chối vì cho rằng cái giá để bán mình là quá rẻ, kể cả khi Microsoft đã nâng giá lên thêm 5 tỷ USD.

Microsoft và Yahoo sau đó đi đến một thỏa thuận nhỏ hơn trên Yahoo Search, nhưng chừng đó là không đủ để cản Google vượt mặt cả hai trong mảng tìm kiếm.

Không bán cổ phần ở Alibaba

Năm 2005, Yahoo sở hữu 40% cổ phần ở Alibaba với giá 1 tỷ USD nhờ mối quan hệ đặc biệt giữa Jerry Yang với Jack Ma.

Năm 2012, các nhà đầu tư gây áp lực buộc Yahoo phải bán 20% cổ phần này đi với giá 7,6 tỷ USD. Cùng năm đó, nhà đồng sáng lập Yahoo, Jerry Yang cũng rời công ty.

Yahoo đã có kết cục khác nếu một trong những điều này xảy ra
Đồng sáng lập Yahoo, Jerry Yang có công lớn trong thương vụ Alibaba, nhưng ông cũng không thể làm gì hơn sau đó.

Marissa Mayer, CEO cuối cùng của Yahoo đã lên tiếng chỉ trích cái nhìn thiển cận của các nhà đầu tư năm xưa. Bà chỉ đích danh hai nhà đầu tư Carl Icahn và Daniel Loeb đã dẫn đầu nhóm lợi ích chi phối việc ép Yahoo phải bán đi cổ phần ở Alibaba và gây thiệt hại nhiều chục tỷ USD về sau.

Chỉ trích của vị nữ tướng này là không có tác dụng khi Yahoo tiếp tục bán mình cho Verizon vào năm 2017 với giá 4,48 tỷ USD. Mayer xin từ chức, Yahoo cùng những tài sản còn sót lại được đổi tên thành Altaba.

Sau nhiều lần bán cổ phần lẻ tẻ để nhà đầu tư thoái vốn, năm 2019, Altaba cũng bán nốt 11% cổ phần còn sót lại ở Alibaba với giá 40 tỷ USD để giải tán công ty. Trước đó, cổ phần còn sót lại ở Yahoo Japan đã được Altaba bán lại cho SoftBank của Nhật với giá 4,3 tỷ USD.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : AlibabaCEOnhà sáng lậpYahoo

Các tin liên quan đến bài viết