Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép.

Thông tin này được Bộ trưởng Công Thương đưa ra tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, Hiệp hội thép Việt Nam ngày 27/5.

Đó là một trong số nhiều giải pháp về thị trường thép được Bộ trưởng Công Thương kết luận tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV. VietNamNet ngay sau buổi làm việc, một số doanh nghiệp ngành thép cho biết đề xuất này không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thép không phải là mặt hàng thuộc diện Bình ổn giá.

Trước năm 2012, thép là mặt hàng thuộc danh mục Bình ổn giá theo Luật giá. Tuy nhiên, từ năm 2012, khi Luật giá 2012 được ban hành, thép (cùng với xi măng, sắt… ) đã được đưa ra khỏi danh mục này.

Ý tưởng của Bộ trưởng Công Thương: Lập Quỹ bình ổn giá thép
Hiện nay thép không phải là mặt hàng trong diện bình ổn giá. 

Ngoài giải pháp trên, Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác.

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành thép, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh

Bên cạnh đó, Hiệp hội Thép phải vươn lên làm vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời đóng vai trò trọng tài để góp phần bình ổn thị trường thép, bảo đảm quyền lợi của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Từ tháng 2, khi giá thép tăng cao, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất một loạt giải pháp. Cơ quan này cũng chỉ ra, giá thép tăng do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn.

Việc giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc,… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Như vậy, cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD).

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : giá thépkhoáng sảnNguyễn Hồng Diênquăng sắt

Các tin liên quan đến bài viết