Năm bị cáo tại tòa |
Sáng 18-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Chương – phóng viên báo Biên Phòng – cho biết chiều 17-5, khi TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến tiền đền bù giải phóng dự án thủy điện Đăkdrinh, huyện Sơn Tây, ông đã đến tòa trình thẻ nhà báo và được cho phép tác nghiệp đưa tin. Sau khi đến tòa một lúc ông nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hăm dọa. “Người này hỏi tôi đang đưa tin ở tòa phải không, tôi “ừ” thì người này liên tục chửi bới, hăm dọa sẽ giết tôi và cả gia đình. Sau đó, tôi lấy điện thoại của một người đồng nghiệp gọi vào số máy đó, nghe giọng tôi, người này lập tức nói những lời thô tục và tiếp tục dọa dẫm sẽ giết tôi”, ông Chương cho biết. Theo ông Chương, năm 2013 trong lúc đền bù thủy điện Đăkdrinh, cá nhân ông có thâm nhập làm loạt bài điều tra về việc mua bán đất và tranh cướp tiền đền bù của người dân ngay sau khi nhận tiền đền bù. “Thời điểm đó tôi cũng bị hăm dọa như hôm nay. Tất cả các cuộc điện thoại dọa giết cả nhà, tôi đều ghi âm lại”, ông Chương cho biết. Sáng 18-5, TAND tỉnh Quảng Ngãi trải qua ngày xử thứ ba, dự kiến ngày mai sẽ kết thúc phiên xử kéo dài bốn ngày. Trong phiên tòa có năm bị cáo là cán bộ huyện và xã bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây cũng là phiên tòa có số lượng người có quyền lợi liên quan đông nhất từ trước đến nay tại tỉnh Quảng Ngãi với 241 người liên quan, 40 nhân chứng được mời đến tòa.
Nhiều người có quyền lợi liên quan là đồng bào Cadong đang nghe tòa xét hỏi các bị cáo |
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, trong quá trình triển khai đền bù dự án thủy điện Đắkđrinh, nhiều diện tích đất đã bị đồng bào bán cho người khác. Dù biết sai quy định Nhà nước nhưng năm bị cáo vẫn thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp gây thất thoát 26,3 tỉ đồng. Trong ngày thứ 2 phiên tòa xét xử, các bị cáo Hà Văn Tiên – nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Sơn Tây, phó chủ tịch Hội đồng GPMB dự án Thủy điện Đăkdrinh; Nguyễn Anh Dũng – nguyên trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây; Lê Khắc Tâm Anh – nguyên cán bộ địa chính – nông nghiệp – xây dựng xã Sơn Dung; Nguyễn Vỹ Cường – nguyên cán bộ địa chính – xây dựng xã Sơn Dung và Trần Minh Việt – nguyên cán bộ địa chính – nông nghiệp – xây dựng xã Sơn Long về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong phần xét hỏi, các bị cáo Tâm Anh, Cường và Việt – cán bộ địa chính của 3 xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long – khai rằng các bị cáo không cố ý làm trái quy định của nhà nước như cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố, bởi liên quan đến vấn đề triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng tổ công tác của HĐBT của huyện làm hết mọi việc. Địa chính của xã chỉ có việc phối hợp bí thư chi bộ và già làng đến những thửa đất trên nhằm kiểm tra xem đất này trước kia là của ai và hiện ai là người đang trực tiếp canh tác trên thửa đất này. Sau đó, địa chính về ký vào hồ sơ rồi chuyển lên cho HĐBT xem xét theo đúng quy trình.Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Anh Dũng và Hà Văn Tiên khai HĐBT đã làm theo mọi chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Sơn Tây chứ các bị cáo không tự nhiên mà làm. Phản bác bị cáo Dũng và bị cáo Tiên về việc huyện cho chủ trương quy về chủ cũ để những người mua đất là chủ mới nhận tiền bồi thường chuyển đổi nghề nghiệp, ông Đinh Kà Để – bí thư Huyện ủy Sơn Tây và ông Phạm Tấn Hoàng – nguyên chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, nay là chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi đều phủ nhận việc huyện cho chủ trương và chỉ đạo quy về chủ cũ để bồi thường và cho rằng lãnh đạo huyện đã yêu cầu rõ khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng phải thực hiện đúng quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng.