Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh (1-1-1997 – 1-1-2017), phóng viên Báo Bình Phước có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng thủ lĩnh đoàn qua các thời kỳ để thấy được phong trào thanh niên trong 20 năm qua; đồng thời, ghi nhận những quyết tâm của thanh niên thời đại mới.
SỨC TRẺ THỜI ĐẠI MỚI
Năm 1997, khi mới chia tách, Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh đoàn Bình Phước gồm 5 anh em do anh Nguyễn Tuấn (hiện là Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) làm Bí thư hăng hái đi nhận nhiệm vụ. Trên vùng đất mới, nhân lực thiếu, trụ sở làm việc không có, cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn nhưng với tinh thần “một người phải làm bằng hai, bằng ba”, tuổi trẻ Bình Phước không bỏ sót một hoạt động nào trong khối miền Đông Nam bộ và cả nước.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thứ 6 từ phải qua) cùng cán bộ đoàn hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước qua các thời kỳ trong lễ mừng sinh nhật đoàn tại Khu di tích lịch sử Căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết
Anh Nguyễn Tuấn kể: Bình Phước còn nghèo khó nên tổ chức đoàn phát triển phong trào cũng theo cách riêng của mình. Bởi thế, khi đăng cai các hoạt động lớn của cụm miền Đông Nam bộ, thậm chí cả nước, Bình Phước chưa có nhà hàng, khách sạn thì sử dụng “trại bay” hoặc homestay để các hoạt động diễn ra thành công. Khi tổ chức đại hội thanh niên tiên tiến cụm miền Đông Nam bộ, Bình Phước đã linh hoạt đưa các đại biểu về với Khu căn cứ Miền Tà Thiết biên giới Lộc Ninh. Các bạn trẻ được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt trong nhà dân, tại các đồn biên phòng đã tạo hiệu ứng tích cực trong hoạt động đoàn cơ sở. Bình Phước bấy giờ có tỷ lệ hộ nghèo, mù chữ cao. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách đầu tiên của thanh niên Bình Phước là đoàn kết thực hiện cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt, bệnh truyền nhiễm và bảo đảm an sinh xã hội. Mỗi cán bộ Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch, phương pháp cùng đoàn viên thanh niên ngày đêm bám sát các ấp, sóc hoàn thành nhiệm vụ được giao và theo kịp các phong trào trong cụm miền Đông Nam bộ. Đội hình thanh niên tình nguyện xóa mù chữ tỏa đi khắp ấp, sóc trong tỉnh. Cùng với xóa mù chữ, thanh niên phối hợp tận dụng quỹ phòng chống dịch bệnh quốc gia hỗ trợ phòng chống sốt rét trong nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau một nhiệm kỳ, với sự gắn kết đoàn thanh niên cùng các tổ chức xã hội khác, tỉnh Bình Phước đã được công nhận xóa mù chữ. Song điều kết nối thanh niên toàn tỉnh là khi tổ chức các phong trào làm đường, làm cầu, xây dựng nông trang… đều có đội ngũ văn nghệ sĩ đi cùng và thi vị hóa qua những ca từ, lời thơ, hình ảnh sinh động. Do đó, mỗi nơi thanh niên tới đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân. Trong sự khó khăn về cơ sở vật chất, thanh niên Bình Phước đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc và được Trung ương Đoàn tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối miền Đông Nam bộ.
“XÓA MÙ” VI TÍNH
Nhiều năm lăn lộn với phong trào đoàn, anh Lê Trường Sơn, Phó ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn khóa IX không quên được giai đoạn lực lượng thanh niên toàn tỉnh chung tay xóa mù vi tính và phát triển kinh tế những năm đầu thế kỷ XXI. Những năm 2000-2005, công nghệ thông tin đã phủ rộng khắp các tỉnh, thành phố lớn nhưng với Bình Phước, chiếc máy vi tính và internet vẫn còn hạn chế. Mỗi xã chỉ có 1 máy vi tính để bàn cũ nên bí thư đảng ủy và chủ tịch xã phải dùng chung. Cán bộ có kiến thức về vi tính còn ít. Nắm bắt tình hình, Tỉnh đoàn phối hợp Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) chủ trì dự án đưa công nghệ thông tin về nông thôn, đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, Sở KH-CN cung cấp máy tính, chuyển giao kỹ thuật và Tỉnh đoàn trực tiếp triển khai rộng rãi trong đoàn viên thanh niên và nhân dân. Phong trào xóa mù vi tính được phát động đến đội ngũ đoàn viên thanh niên khối cơ quan nhà nước, sau đó lan rộng về các xã vùng sâu, biên giới… Thanh niên được tập hợp vào thư viện điện tử học tập, nâng cao kỹ năng sử dụng máy vi tính và internet. Sau đó, thanh niên cũng chính là lực lượng tỏa đi cơ sở để hướng dẫn, hỗ trợ người dân, cán bộ vùng sâu hiểu thêm về máy vi tính. Những năm 2003-2004, phong trào xóa mù vi tính như là cuộc “cách mạng” để giúp người dân Bình Phước tiến xa và hội nhập thời đại công nghệ thông tin.
ÁO XANH TRÊN MỌI MIỀN QUÊ
“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” và tiếp tục phát huy truyền thống của cha anh để màu áo xanh tình nguyện tỏa đi khắp miền quê của đất nước. Đó là quyết tâm của hơn 63 ngàn đoàn viên trong tỉnh.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong dịp gặp mặt cựu cán bộ đoàn tại Khu di tích lịch sử Căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết (Lộc Ninh) năm 2016, đã nhắn nhủ: Thế hệ trẻ của Bình Phước hôm nay cần tiếp tục giữ vững nhiệt huyết, mỗi cán bộ đoàn cần giữ trọn ngọn lửa và trái tim, phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc để bảo vệ và xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, góp phần đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh. |
Cùng với việc tiếp tục thực hiện các công trình, phần việc mang tên thanh niên, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong thế hệ trẻ hiện nay. Bằng các hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt như tuyên truyền miệng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách, báo, tài liệu, pa-nô, áp-phích, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chi đội và các kênh thông tin của đoàn cùng các trang mạng như facebook, zalo…, các cấp bộ đoàn, hội đã tuyên truyền sâu rộng tới các bạn trẻ về lịch sử truyền thống quê hương và con người Bình Phước anh hùng; những tiềm năng và triển vọng của tỉnh; ý chí quyết tâm, bản lĩnh, làm chủ công nghệ, khoa học – kỹ thuật trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa; những thành tựu đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là những đổi thay về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh sau hơn 30 năm đất nước đổi mới và sau 20 năm ngày tái lập tỉnh; những điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh. Cũng trong dịp này, hàng ngàn thanh niên trên địa bàn tỉnh đã tham gia lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng và diễu hành xe đạp, lễ hội ẩm thực đường phố…
Sau 20 năm tái lập tỉnh, thanh niên Bình Phước đang quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để xứng đáng là “rường cột nước nhà”. Những đóng góp của tuổi trẻ Bình Phước càng tô thắm trang sử vẻ vang của quê hương; xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, chỗ dựa vững chắc của chính quyền.
Cẩm Liên (BPO)