Chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam, mối quan hệ giữa Việt Nam và các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, là một trong những nội dung đáng chú ý trong ngày khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần 5 sáng 15-12.
Xử lý tốt quan hệ tay ba “Việt - Mỹ - Trung”
Ông Vladimir Kolotov (phải) – Viện Hồ Chí Minh, ĐH Tổng hợp quốc gia St. Petersburg (Nga) – phát biểu tại hội thảo 

Hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia ở Hà Nội với sự tham dự của hơn 500 nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, cán bộ quản lý…, trong đó có hơn 100 học giả quốc tế. Nhiều vấn đề nóngTheo GS.TS Vũ Minh Giang (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội) – người đã tham gia chủ trì tổ chức các hội nghị quốc tế Việt Nam học từ năm 1998 đến nay, hội thảo năm nay tập trung vào các nội dung có ý nghĩa thực tiễn, những vấn đề nóng đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Đó là chính sách đối ngoại, chuyển giao tri thức, khoa học – công nghệ, vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH), vấn đề môi trường và phát triển bền vững…
Những nội dung được các học giả thuộc tiểu ban ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế tập trung nghiên cứu, phân tích là chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam. Các tham luận cũng chỉ ra rằng bên cạnh quan hệ song phương với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Việt Nam còn xử lý tốt các quan hệ đa phương, trong đó phải kể đến các quan hệ tay ba, đặc biệt là quan hệ giữa Việt Nam với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. GS Brantly Womack, ĐH Virginia (Mỹ), cho rằng một mặt mối quan hệ tay ba này tạo đòn bẩy phát triển cho Việt Nam, nhưng mặt khác cũng tạo ra những thách thức. Vị GS người Mỹ đánh giá quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và hai cường quốc trên được cải thiện. Các vấn đề an ninh và chủ quyền có gây ra tình trạng căng thẳng, nhưng đã được các bên xử lý tốt. “Tam giác quan hệ này không tồn tại trong thế tách biệt với những mối quan hệ khác. Căng thẳng trong mối quan hệ tay ba này có thể được giải quyết ổn thỏa nếu có sự chung tay của các bên khác. ASEAN là một cơ chế hữu ích bởi nhìn về một khối, nó có thể thu hút chú ý của khu vực và toàn cầu hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào. Những thể chế toàn cầu như Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng có thể được dùng để giảm căng thẳng trong mối quan hệ tay ba này”. Trong khi đó, ông Vladimir Kolotov (Viện Hồ Chí Minh, ĐH Tổng hợp quốc gia St. Petersburg, Liên bang Nga) cho rằng chính sách phản tác dụng của Trung Quốc ở Biển Đông đang buộc các nước Đông Nam Á tìm kiếm một đối trọng bên ngoài khu vực và Mỹ đứng đầu, đại diện cho đối trọng ấy. Chủ quyền biển đảo tiếp tục là một trong những trọng tâm của hội thảo lần này. Một trong những khuyến cáo quan trọng được các học giả đưa ra là cần phải đẩy mạnh “học thuật hóa Biển Đông”, đẩy mạnh chiến lược thông tin đối ngoại, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu hơn nữa về chính sách của Việt Nam về Biển Đông.

Ứng phó thông minh 
với biến đổi khí hậu

Trong sáu tiểu ban của hội thảo, BĐKH được kỳ vọng nhiều nhất trong việc giải quyết các vấn đề đang đặt ra ở Việt Nam hiện nay. Gần 100 báo cáo được chấp nhận tham gia hội thảo thuộc tiểu ban này tập trung vào các vấn đề như tác động của BĐKH đến các hoạt động kinh tế – xã hội và sức khỏe cộng đồng, các giải pháp thích ứng với BĐKH, giảm thiểu BĐKH, ứng phó với BĐKH để phát triển bền vững và phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam với các nước về ứng phó với BĐKH…Các chuyên gia về BĐKH Việt Nam và quốc tế đã khá thống nhất khi nhận định Việt Nam là quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất do BĐKH. Nhưng đồng thời theo TS Trương Quang Học – Viện nghiên cứu tài nguyên và môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội, Việt Nam còn đang đứng trước thách thức từ tình trạng suy thoái môi trường và tài nguyên thiên nhiên, gia tăng nhu cầu năng lượng, trình độ phát triển hiệu quả sản xuất và tiêu dùng thấp…Vì vậy ứng phó thông minh với BĐKH gắn liền với phát triển bền vững được xem là lựa chọn thích hợp nhất cho Việt Nam. Để giảm thiểu hậu quả của BĐKH, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra khuyến cáo Việt Nam cần phát triển ngành năng lượng đa dạng, sạch và an toàn. Các giải pháp phát triển ngành năng lượng cần tập trung theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hạn chế tới mức tối đa sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, khai thác tài nguyên năng lượng gió, năng lượng mặt trời và khí sinh học… mà Việt Nam có tiềm năng cao. Các chuyên gia cũng đề xuất những chính sách phát triển nói chung và ứng phó đối với BĐKH nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới cần theo hướng thúc đẩy, khuyến khích những quyết định thông minh và đầu tư sáng tạo của khu vực tư nhân cũng như khu vực nhà nước, tạo điều kiện tài trợ cho những chi phí phải trả trước để tăng trưởng bền vững.

Dàn đều sẽ dàn trải: Trình bày tham luận của mình trong khuôn khổ tiểu ban ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế, PGS.TS Nguyễn Văn Dân, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết một số nhà khoa học đã nói đến hiện tượng “thoát Trung” của Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng theo ông, đó là vấn đề “lựa chọn trung tâm” chứ không phải “thoát khỏi trung tâm”. Cụ thể, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lựa chọn lại trung tâm, chuyển từ trung tâm cũ sang một trung tâm mới tiên tiến hơn là phương Tây.PGS.TS Nguyễn Văn Dân cho rằng trong quan hệ của Việt Nam ở khu vực Đông Á, Việt Nam có thể tận dụng các nguồn lực tích cực của trung tâm Trung Quốc, nhưng không nên coi Trung Quốc là trung tâm duy nhất đáp ứng mọi yêu cầu phát triển. Ông Dân nhận định Việt Nam có đường lối đa phương hóa các quan hệ quốc tế, nhưng quan hệ đa phương dàn đều sẽ làm sự hợp tác bị dàn trải, không tận dụng được những điểm mạnh của một số trung tâm đầu tàu của thế giới.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : BĐKHhội thảoquan hệ tay ba

Các tin liên quan đến bài viết