Từ bàn tay trắng, lão nông Võ Minh Trúc vươn lên làm giàu trên mảnh đất Thiên Lộc, nơi có hàng trăm người đang lao động ở châu Âu.

Trước đây, về xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) người ta thường bàn tán chuyện đi Tây và những ngôi nhà cao tầng kiểu mới thi nhau mọc.

Nửa tháng qua, không khí trầm lắng hẳn khi xã có tới 5 người mất liên lạc khi vượt biên qua Anh.

Ít ai biết, trên mảnh đất có lắm người rời làng ra đi mong đổi đời cũng có người bám trụ quê nhà, vươn lên làm kinh tế giỏi.

Về xã Thiên Lộc hỏi ông Võ Minh Trúc (60 tuổi, trú thôn Hòa Thịnh) ai ai cũng biết, ông nổi tiếng không phải vì đi Tây, cũng không phải ông sở hữu ngôi nhà đẹp bậc nhất tại địa phương… mà vì ông làm kinh tế giỏi.

Gặp ông tại trang trại của gia đình, ông từ tốn: “Tôi giỏi giang gì đâu, chăm chỉ lao động mà thôi, tiền làm ra vừa đủ chi tiêu gia đình”.

Xóm giềng trăm người đi Tây 'chui', lão nông Hà Tĩnh nuôi chim làm giàu
Ông Trúc giới thiệu mô hình nuôi bồ câu đang được ông tập trung đầu tư

Thời trẻ, ông có 6 năm phục vụ trong quân ngũ, vào năm 1980 khi đang tại ngũ ông cưới vợ cùng xã, 3 năm sau ông giải ngũ về quê làm ruộng. Cuộc sống còn khó khăn, vợ chồng ông phải “thắt lưng buộc bụng” nuôi con.

Năm 1994, vợ chồng ông mạnh dạn đến khu vực cạnh dãy núi Hồng Lĩnh khai phá đất đai trồng trọt. Đến năm 2000, ông được nhà nước cho thuê 10ha đất để làm kinh tế với thời gian thuê 50 năm.

Được thuê diện tích đất lớn, ông dành ra 5ha đào ao thả cá, diện tích còn lại ông làm chuồng trại nuôi bò, lợn và nhất là chim bồ câu. Những ngày đầu lập trại còn khó khăn nên ông chủ động phương án lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi.

Bước đầu bắt tay vào chăn nuôi, trong chuồng chỉ có vỏn vẹn 5 con lợn nái, đến năm 2016, đàn lợn nái tăng lên 35 con, lợn thịt 400 con.

Sản lượng đàn cá thương phẩm cũng tăng rất nhanh, giai đoạn đầu mỗi năm chỉ thu hoạch vài tấn, đến những năm 2015 – 2017 cá cho thu hoạch tổng giá trị lên cả trăm triệu đồng.

Dẫn chúng tôi ra thăm khu vực nuôi bồ câu, ông Trúc nói, lĩnh vực này ông đang chú trọng đầu tư, ban đầu ông mua 80 con giống, đến nay sau 3 năm tổng đàn đã lên đến 1.000. Con non sinh ra ông để lại 1 phần nhân giống, một phần bán cho người dân và cung ứng cho các trường học.

Xóm giềng trăm người đi Tây 'chui', lão nông Hà Tĩnh nuôi chim làm giàu
Với nghị lực thoát khỏi cuộc sống khó khăn, ông Trúc mạnh dạn thuê đất xây dựng trang trại chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

“Vài năm trước thu nhập bình quân mỗi năm trên 300 triệu đồng, hiện nay đang giảm xuống một chút, thu nhập từ trang trại cũng đủ cho vợ chồng tôi chi tiêu dư giả một chút” – ông Trúc chia sẻ.

Ông Trúc còn cho biết, ngoài trang trại của ông, hiện toàn xã có khoảng 90 trang trại khác kinh tế “sống được”, tuy nhiên, cũng có một số trang trại gặp khó khăn.

Trước nỗ lực hăng say làm kinh tế, vào tháng 10/2019 vừa qua, ông Trúc được Hội Nông dân huyện Can Lộc tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2015 – 2019.

Đi Tây “chui” lắm rủi ro

Gia đình ông Trúc có 4 người con, đều đã lập gia đình. Sống giữa ‘thủ phủ” đi Tây nhưng 4 người con của ông đều làm kinh tế ở địa phương.

Xóm giềng trăm người đi Tây 'chui', lão nông Hà Tĩnh nuôi chim làm giàu
Một góc xã Thiên Lộc

Xã Thiên Lộc thuần nông, thu nhập từ nghề làm ruộng không được ổn định. Thanh niên học hết phổ thông, không có tay nghề, ruộng không muốn làm nên kéo nhau đi nước ngoài nhiều. Trong xã hầu như gia đình nào cũng có con ở nước ngoài.

“Đi xuất khẩu lao động theo con đường chính thức giúp cải thiện kinh tế gia đình, lại an toàn. Còn đi “chui” sang châu Âu thu nhập cao hơn nhưng lắm rủi ro. Khi thành công thì được tất cả còn khi bại thì mất cả tiền lẫn người” – ông Trúc nói.

Ông Trúc cho biết, ông cũng có người cháu nằm trong số 5 công dân ở xã được gia đình trình báo mất liên lạc khi sang Anh.

“Tôi thì không cho con đi lao động chui, vì quá mạo hiểm, còn nếu muốn đi xuất khẩu lao động theo con đường chính thống tôi sẽ đồng ý” – ông Trúc nói.

Nhiều hộ khá giả 

Ông Trần Đình Bình, Phó chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết, diện tích xã hơn 30.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 700ha, hiện có hơn 90 mô hình kinh tế, chủ yếu là mô hình chăn nuôi.

“Trong những các hộ làm kinh tế giỏi tại địa phương phải kể đến ông Võ Minh Trúc, bà Hoàng Thị Bình… mô hình trang trại của các gia đình này nhiều thời điểm thu nhập hàng trăm triệu đồng”, ông Bình nói.

Ngoài ra, xã Thiên Lộc hiện có 120 ha diện tích trồng hành xuất ra thị trường, đây là một trong những mô hình trồng hành đầu tiên trong huyện đem lại kinh tế cao hơn so với các loại rau màu khác, giúp người dân có cuộc sống khá ổn định.

Nói về việc người dân đi nước ngoài tìm việc làm nhiều, ông Bình khẳng định, người dân đều được phân ruộng theo tiêu chuẩn, tuy nhiên, thu nhập từ ruộng không cao nên nhiều thanh niên đi nước ngoài hoặc lao động ở các TP lớn trong nước.

“Hàng năm, xã vẫn lên kế hoạch tuyên truyền người dân nên đi lao động nước ngoài bằng các con đường chính thống nhưng một bộ phận vẫn đi chui khiến chính quyền khó kiểm soát” – ông Bình nói.

Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) Đặng Anh Tuấn cho biết, toàn xã có 1.279 người đi lao động nước ngoài, trong đó người dân lao động các nước châu Âu là 704 người, số còn lại đang lao động tại các nước châu Á.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đi tâygiết ngườingười chếtnuôi chim

Các tin liên quan đến bài viết