“Niềm tin của chúng tôi là nếu mỗi người tham gia tặng 2.000 đồng mỗi ngày thì với 100.000 người tham gia, mỗi năm sẽ có 292 điểm trường được khởi công xây dựng” – anh Hoàng Hoa Trung bày tỏ.
“Sức mạnh 2000 – Tiền lẻ mỗi ngày Triệu người chung tay Xây nghìn trường mới” phát động ngày 27/2/2020 là chương trình gây quỹ thuộc Dự Án “Ánh sáng núi rừng – Mỗi năm một ngôi trường cho trẻ vùng cao” (ra đời năm 2009) và nhận được sự bảo trợ của Trung tâm tình nguyện Quốc gia.
Hàng trăm điểm trường tạm đã và đang được các nhà hảo tâm chung tay xây dựng kiên cố |
Tính tới tháng 3/2020, dự án “Ánh sáng núi rừng” đã xây dựng thành công 35 điểm trường tại tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Sau khi “Sức mạnh 2000” ra đời, trong năm 2020, dự án thực hiện được thêm 77 điểm trường, nhà hạnh phúc, cầu hạnh phúc và khu nội trú.
Và chỉ tính từ đầu năm 2021 đến tháng 9 này, dự án đã khởi công và hoàn thành xây dựng thêm gần 100 công trình. Đến cuối năm nay, dự kiến con số này sẽ lên thành 120 công trình.
Câu chuyện của một người “đồng nát” và “rất viển vông”
Điều hành dự án “Sức mạnh 2000” là anh Hoàng Hoa Trung – người hết tự nhận mình là “đồng nát” đến tự thú mình “rất viển vông”.
Ngay từ những ngày đầu tham gia công tác từ thiện, với quan điểm chủ động gây quỹ thiện nguyện, Trung làm rất nhiều việc và trở thành “Trung đồng nát” khi đích thân đi lượm ve chai, đồ cũ, giấy vụn… bán lấy tiền gây quỹ.
Anh cũng là người điều hành dự án Nuôi em – chỉ 150.000 đồng/tháng nuôi cơm một bé vùng cao no bụng tới trường.
Là 9X đời đầu, Hoàng Hoa Trung đã có 14 năm theo đuổi công tác thiện nguyện, và không chỉ đến năm 2020 anh mới bắt đầu xây trường.
Điểm trường đầu tiên nhóm của Trung xây là tại Lai Châu vào năm 2012. Và riêng năm 2019, nhóm tình nguyện Niềm tin xây dựng được 15 ngôi trường cho trẻ em vùng cao (trị giá khoảng 3,9 tỉ đồng), nâng tổng số trường đã xây dựng cho học sinh vùng cao nhóm tới thời điểm đó là 25 trường.
Điểm trường thứ hai là tại bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Đến nay, anh Trung vẫn còn nhớ rõ: “Chỗ vào xa nhất gần 30km đường rừng, 80% hộ dân nhà làm bằng tre nứa đập dập, đa phần xiêu vẹo. Mỗi nhà đều có nỏ để lên rừng. Còn điểm trường ở đây, đang giờ học, tôi thấy cảnh con bò thò đầu qua vách nứa liếm tóc học sinh ngồi trong lớp”.
Điểm trường tại bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên khi lần đầu tiên Hoàng Hoa Trung đặt chân tới |
Đó cũng là điểm trường mà anh ấn tượng nhất, bắt đầu hành trình gắn bó của anh với mảnh đất Điện Biên. “Và khi đã gắn bó, chúng mình luôn muốn làm những gì tốt đẹp nhất. Trong năm 2022, chúng tôi sẽ “thanh toán” được hết các điểm trường tranh tre nứa lá ở Điện Biên”.
Một câu chuyện khác khiến Trung từng rất bận tâm là về cô bé Lý Thị Kim, sinh 2005 tại Đắk Lắk. Trường học cấp 2 của Kim cách nhà tới hơn 30km, không có chỗ ở nội trú. Đi xe đạp thì mấy tiếng mới đến. Hai lần lén đi xe máy đi học, Kim bị công an bắt và phạt tới mức không đủ tiền nộp phạt nên không lấy được xe về. Ở trọ lại gần chỗ học thì gia đình không có tiền. Cố được hết học kì 1, lớp 7 rồi Kim phải bỏ học.
“Cấp 2 mà nghỉ sẽ đi làm công nhân (bất hợp pháp) hoặc lấy vợ chồng rồi đi làm nương. Trồng điều mỗi năm thu về 10-30 triệu đồng chưa trừ chi phí, tính ra mỗi tháng thu được 1-2 triệu hay ít hơn nên tiền đi thuê nhà trọ, điện nước…, lấy đâu ra?
Tôi nghĩ, xây nhà nội trú ở trường sẽ giải quyết được lý do bỏ học này, thay đổi cuộc đời cả nghìn em trong 10-15 năm” – Trung kể về khởi nguồn của việc xây nhà nội trú trường học rồi nuôi cơm các em luôn. Hết năm 2021, từ các dự án của nhóm Niềm tin sẽ có 7 khu nội trú đi vào sử dụng với hơn 500 học sinh hưởng lợi.
Nhóm Niềm tin của Trung còn có cả dự án Nhà hạnh phúc, xây lại những ngôi nhà đã quá rách nát của trẻ nghèo, cho các em một chỗ ở ấm áp đồng thời vận động học bổng mỗi tháng 500.000 đồng tới năm 18 tuổi để các em yên tâm tới trường. Và cả dự án xây cầu hạnh phúc, để đường đi học của các em và của cả bà con dân bản đỡ nguy hiểm hơn. Chỉ trong năm 2020 và 2021, có 34 nhà hạnh phúc, 11 cây cầu đã và đang được xây dựng.
Những công trình được thiết kế từ… tiền lẻ
Nói chuyện với Hoàng Hoa Trung, ngoài sự nhiệt huyết dễ cảm nhận, còn có một đặc điểm là anh rất hay… làm phép tính và gọi nó là “công thức tình nguyện”.
Hoàng Hoa Trung với các em nhỏ ở Đắk Lắk trong chuyến khảo sát xây nhà nội trú. |
Ví dụ như từ dự án Nuôi em, mỗi người góp 1.450.000 đồng/năm thì trong đó 1.350.000 đồng là tiền ăn (mỗi bé 150.000 đồng/tháng x 12 tháng), 100.000 đồng là cơ sở vật chất.
Dự án này ra đời năm 2014, đến năm 2019 Trung đã kết nối được hơn 8.000 người nuôi cơm. Tới năm 2020 đã có tới hơn 14.000 anh chị nuôi nuôi cơm chỉ tính tại Điện Biên, Tây Nguyên, Cao Bằng. Nếu tính cả nước, số người nhận “nuôi em” đã lên tới hơn 21.000. Và con số này của năm 2021 là hơn 33.000 người tham gia” – Trung khoe.
“Với 100.000 đồng cơ sở vật chất, tính ra có 3.000 đồng/ngày, nhưng trong hai năm 2019-2020 đã có 11 điểm trường đã ra đời từ số tiền này.
Hàng chục điểm trường đã được xây vững chãi bằng sự đồng lòng, mỗi người có 50.000 và 100.000 đồng thôi đó”.
Từ năm 2014, nhóm Niềm tin thực hiện dự án Nuôi em. Bằng hình thức kết nối các nhà hảo tâm trực tiếp nhận nuôi cơm trưa cho học sinh vùng cao, với mỗi bữa ăn có thịt có giá 8,5 nghìn đồng/em/bữa. Dự án được triển khai và nhân rộng tại địa bàn các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Quảng Nam, Hà Giang, Nghệ An, Cao Bằng, Thanh Hóa… Các nhà hảo tâm đều nắm được đầy đủ thông tin của học sinh mình nhận nuôi, biết mặt, địa chỉ, số điện thoại của thầy cô giáo, già làng, trưởng bản. Mỗi năm, các nhà hảo tâm đều có thể đến thăm các em học sinh mình nhận nuôi. Năm 2020, dự án cải tiến, in mã QR code trên tường mỗi điểm trường để người tài trợ lên điểm trường quét mã có thể thấy đóng góp của mình hiện lên một cách minh bạch. |
Khi bắt tay vào dự án “Sức mạnh 2000”, thì thậm chí, Trung còn muốn huy động sự giúp sức dù nhỏ bé nhất.
Để hiện thực được lời kêu gọi này, ngoài những hình thức đóng góp thông thường như chuyển khoản hay tiền mặt, Trung còn thiết kế được phương thức chưa đâu áp dụng: Khoản đóng góp dự kiến của nhà tài trợ sẽ được trừ mỗi ngày: đúng 18h hàng ngày, tài khoản ở ví Momo sẽ tự động trừ 2.000 đồng.
Với cách làm này, theo Trung, từ chị lao công, cô bán vé số tới bác xe ôm, anh bán bán mỳ hay những người buôn bán ngoài chợ…, ai cũng cũng có thể làm việc thiện mỗi ngày một cách rất dễ dàng và vui vẻ.
“Niềm tin của chúng tôi là nếu mỗi người tham gia tặng 2.000 đồng mỗi ngày thì với 100.000 người tham gia, mỗi năm sẽ có 292 điểm trường được khởi công xây dựng.
Còn với 2.000.000 người tham gia, sứ mệnh chương trình sẽ được hoàn thành.
Mỗi người góp 2.000 đồng/mỗi ngày x 365 ngày x 2.000.000 người đã là 1.460.000.0000 đồng (một nghìn bốn trăm sáu mươi tỉ đồng) chỉ trong một năm, đủ xây toàn bộ trường tạm tại Việt Nam.
Luôn tìm một cách khác để đạt được mục tiêu
Năm 2020 và rồi sang năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và kinh tế của toàn xã hội. Vậy nhưng các công trình được nhóm kêu gọi tài trợ vẫn tăng.
“Cuối năm 2019, khi nhóm xây dựng thành công 15 điểm trường chỉ trong một năm, mình nhìn về Forbes Việt Nam 30 Under 30 (30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi) mà đặt mục tiêu “khủng”. Cuối cùng, không chỉ được Forbes vinh danh mà lại đạt luôn cả Gương mặt trẻ Thủ đô và cả Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”.
“Cú ăn 3” này của Trung đã khiến cục diện thay đổi chóng mặt: Lên Thời sự giờ vàng, lên báo chí…
Kết quả là các nhà tài trợ đổ về rất nhiều, “Sức mạnh 2000” được nhắc tới nhiều. Nhưng rồi dịch Covid-19 ập đến. 10 nhà tài trợ đã cho biết muốn tài trợ chống dịch trước.
Trường mầm non ở Sen Thượng (Điện Biên) được nhóm Niềm tin kêu gọi tài trợ xây dựng lại khang trang |
“Cánh cửa này đóng lại ngay lập tức phải tìm cánh cửa khác, chứ không thể đóng băng hoạt động của mình được” – Trung nhớ lại.
“Chúng tôi thay đổi chiến thuật, kêu gọi Fanclub của các sao Việt, sao Hàn, sao Nhật…, hay với các cá nhân, gia đình có điều kiện họ có thể xây tặng cộng đồng một công trình nhân dịp nhà có việc hỉ như có bé mới sinh, hoặc đóng góp chi phí từ việc hiếu…
Ngày đầu năm mới, chúng tôi kêu gọi mọi người lì xì cho các bé vùng cao, có khi chỉ vài tiếng đã đủ kinh phí cho một điểm trường.
Hoặc tôi đã từng sử dụng hình thức nhóm gọi vui là “đi chợ”: đưa nguyên một công trình lên Facebook nói vui là “khóc”, tìm “Mạnh thường quân” là con em của quê hương đó mà “gả” 100% số tiền xây 1 điểm trường, 1 nhà hạnh phúc, 1 cái cầu cho họ. Với cách này, tôi đã tìm được gần chục nhà tài trợ cho hơn 10 điểm trường”.
Tới tháng 9/2020, nhóm Niềm tin khởi công thành công 35 điểm trường, nhà nội trú, nhà hạnh phúc… trong niềm vui tới vỡ oà của các thành viên. Họ lại được ngỏ lời tài trợ thêm tới hơn 40 công trình nữa.
Hoàng Hoa Trung – Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019; được Forbes Vietnam vinh danh là 1 trong 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi. |
Nhưng lại bất ngờ lũ ập tới, “càn quét” luôn cả những khoản tiền hứa tài trợ. Trung và cả đội vẫn cần mẫn làm lại, rồi cải tiến quy trình.
“Luôn luôn là tìm một cách khác để đạt được mục tiêu, và sẽ đạt được” là định hướng của nhóm.
Với những nỗ lực đó, dù 2020 là năm dịch Covid-19 bùng phát, nhóm vẫn làm được 77 công trình.
Trung tính rằng tới cuối năm nay, con số khởi công và hoàn thành trong năm là khoảng 120 công trình.
“Có nhiều người nói, chúng mày xây lấy thành tích à mà lắm thế? Mình chỉ dặn các em trong nhóm nhẹ nhàng: Những gì chúng ta đang làm còn nhỏ bé vô cùng với những gì đất nước Việt Nam của chúng ta cần.
Và các bạn hãy tin đi, dù chỉ 2.000 đồng nhỏ bé cũng có thể tạo ra thay đổi lớn lao cho hàng nghìn em nhỏ. Vì vậy, hãy tham gia chung tay cùng Sức mạnh 2000, bất kể mệnh giá nào”.
Nguồn: vietnamnet