Người đàn ông 56 tuổi yêu cầu tòa xác nhận cha cho mình là người đã qua đời cách đây 22 năm bằng ảnh đám cưới, đám tang và tòa đã xử cho ông này thắng kiện…

Mới đây, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp xác định cha cho con giữa nguyên đơn là ông C. (56 tuổi) với các bị đơn là chị em bà L. (77 tuổi).

Phía bị đơn phủ nhận

Trong đơn khởi kiện, ông C. trình bày lúc sinh thời, cha ông (cụ H., mất năm 1998) có vợ chính thức (mất năm 2011) và sáu người con chung (là chị em bà L., trong đó một người đã mất).

Trong thời gian có vợ chính thức, cụ H. có chung sống với mẹ của ông (bà mất năm 2013) và sinh ra ông. Do cha ông đang có vợ hợp pháp nên khi đó cả hai không thể kết hôn, đồng thời tên khai sinh của ông mang họ mẹ.

Tuy vậy, trước đây cha ông vẫn đưa ông tới lui gia đình và ai cũng biết về ông. Khi cưới vợ cho ông, cha ông là người đứng ra tổ chức đám cưới và khi cha ông qua đời, ông cũng đến chịu tang theo phong tục tập quán.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của mình, ông c. khởi kiện yêu cầu tòa án xác định cụ h. là cha của ông.

Đại diện các bị đơn trình bày lúc sinh thời cha mẹ bị đơn có sáu người con (một người mất), ngoài ra không có con riêng hay con nuôi nào khác. Thực tế từ trước đến nay, anh chị em trong gia đình cũng chưa từng được cha, mẹ hay họ hàng thân tộc nói đến người con nào khác của cha.

Theo các bị đơn, chỉ đến khi gia đình phát sinh vụ án tranh chấp về thừa kế thì ông C. mới xuất hiện và nhận là con ruột của cụ H. Do đó, các bị đơn thống nhất không thừa nhận mối quan hệ huyết thống với ông C. và không đồng ý thực hiện giám định cũng như cung cấp mẫu giám định, vì cho rằng nghĩa vụ chứng minh không thuộc về họ.

Xin truy nhận cha từ tấm ảnh chịu tang người quá cố
Xin truy nhận cha từ tấm ảnh chịu tang người quá cố

Yêu cầu giám định ADN bất thành

Tại phiên tòa, ông C. vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, cho rằng các chứng cứ xác thực là các tấm ảnh đám cưới và đám tang. Đồng thời, nguyên đơn có yêu cầu giám định ADN và nộp tiền tạm ứng chi phí giám định nhưng bị đơn không hợp tác cung cấp mẫu giám định.

Phía bị đơn không thừa nhận mối quan hệ huyết thống với ông C. Theo phía bị đơn, gia đình có biết về nguyên đơn và trước đây ông C. cũng thường đến nhà chơi nhưng với tư cách là bạn của em trai út (người đã mất).

Riêng đối với các tấm ảnh về đám cưới và đám tang là có thật nhưng đám cưới thì cụ H. được nhờ làm chủ hôn cho ông C., còn đám tang thì ông C. cảm mến cụ H. nên đến xin chịu tang.

Thực tế, trong đám tang, ngoài ông C. còn có nhiều người khác quý mến đến chịu tang nhưng đã quá lâu nên gia đình không nhớ gồm những ai và không thể cung cấp (hình ảnh) cho điều này.

Tòa xử công nhận quan hệ cha – con

Sau khi xét xử, TAND quận Ninh Kiều nhận định các bị đơn (con ruột cụ H.) không thừa nhận quan hệ huyết thống với nguyên đơn và từ chối giám định gen. Do đó, cần xem xét toàn diện từ yêu cầu khởi kiện, ý kiến bị đơn và các đương sự khác…

HĐXX cho rằng đối với đám cưới thì có thể nhờ chủ hôn nhưng việc bức ảnh nhận chịu lạy của cô dâu, chú rể trước bàn thờ gia tiên thì chỉ riêng người trong thân tộc mới được thực hiện động thái như thế này.

Còn về đám tang được xem là một trong những phong tục mang tính tâm linh của người Việt nói chung, của người miền Tây Nam bộ nói riêng. Đám tang của cụ H. (được thừa nhận của bị đơn) có sự tham gia chịu tang của vợ chồng ông C. Trong đó, vợ chồng ông C. đội khăn tang được xem là tương đồng với con trai, con dâu trong gia đình nên lời trình bày của nguyên đơn về các tấm ảnh (đám cưới, đám tang) có cơ sở tin thật.

Do đó, các tấm ảnh được xem là một trong những chứng cứ chứng minh về mối quan hệ cha con giữa cụ H. và ông C. theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 15/2015 của Bộ Tư pháp (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch).

Ngoài ra, tòa còn nhận định hai người cháu nội của cụ H. (con của người con trai út đã mất) có ý kiến thừa nhận mối quan hệ huyết thống với nguyên đơn. Hai người này cho rằng họ biết mối quan hệ cha con giữa ông nội (cụ H.) và chú ruột (ông C.) qua lời kể của cha mình lúc sinh thời và sự ngầm thừa nhận của người lớn trong gia đình. Tuy nhiên, hai người này cũng không đồng ý làm xét nghiệm ADN…

Lời trình bày trên của hai người cháu nội của cụ H. được tòa “xem là nguồn chứng cứ để xem xét toàn diện và đánh giá đối với vụ án”.

Ngoài ra, tòa còn “thu thập chứng cứ từ vụ án tranh chấp tài sản chung và phân chia di sản thừa kế liên quan đến tài sản của cụ H. để lại”. Theo đó, tòa xác định được người con dâu út của cụ H. có lời trình bày về việc “cụ H. còn có con riêng, trong đó có người tên C.”, là ông C. trong vụ này. Tòa cho rằng lời khai này được đề cập vào năm 2015, trước rất lâu so với thời điểm thụ lý vụ án truy nhận cha con này là năm 2019. Vì vậy, theo tòa, lời trình bày này là “vô tư, khách quan để xác định cho mối quan hệ trong vụ án”.

Từ các lý lẽ trên, tòa cho rằng yêu cầu khởi kiện xác định cha cho con của nguyên đơn là có căn cứ chấp nhận và tuyên xác định cụ H. là cha của ông C.

Được biết, hiện phía bị đơn đã kháng cáo. Chúng tôi sẽ theo dõi và thông tin khi vụ án có diễn biến tố tụng mới.•

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chi phí giám địnhchịu tang người quá cốGiám định

Các tin liên quan đến bài viết