Năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ, Quốc hội không có nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.
Sáng 21-4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh chương trình năm 2020.
Sẽ trình một luật chung về đặc khu kinh tế
Theo ông Long, bên cạnh nhiều kết quả rất đáng khích lệ trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại trong công tác này.
“Lãnh đạo một số cơ quan vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác thể chế. Khi đề xuất đưa các dự án, dự thảo vào chương trình, các cơ quan đề xuất chưa dự liệu hết được các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện. Công tác phối hợp giữa các bộ còn hạn chế” – Bộ trưởng Long nói.
Ông Long cũng cung cấp thông tin về quá trình chuẩn bị một số dự án luật từng được đưa vào chương trình nhưng đã được rút ra và chưa có kế hoạch cụ thể trong nghị trình của Quốc hội.
Đối với Luật về hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện và xây dựng báo cáo đánh giá tác động đối với nội dung mới. Đến nay, dự thảo luật vẫn tiếp tục được hoàn thiện và một số vấn đề quan trọng đã được báo cáo cấp có thẩm quyền.
Đối với dự án Luật biểu tình, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để xây dựng dự án.
Việc xây dựng dự án luật này nhằm “bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta”.
“Về Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng xây dựng một luật chung. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan đang thực hiện nội dung này” – ông Long cho hay.
Chính phủ cho rằng “việc đưa các dự án, dự thảo vào chương trình năm 2021 cần tính đến đặc thù là năm 2021 sẽ có 3 kỳ họp của Quốc hội. Tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV và kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ không dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật mà chủ yếu tập trung đánh giá, tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa XIV và chuẩn bị tổ chức, nhân sự”.
Không nên ra nghị quyết sửa một vài nội dung Luật đất đai
Về việc điều chỉnh chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị rút luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, chờ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tiến hành sửa đổi căn cơ theo định hướng chiến lược xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời đề nghị Quốc hội có thể xem xét ban hành nghị quyết để kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc.
Đồng tình lùi dự án luật này nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển “đề nghị cân nhắc việc ra nghị quyết của Quốc hội để giải quyết một số vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật đất đai. Chúng ta chuẩn bị bao lâu nay để sửa một số điều cũng chưa được, bây giờ ban hành một nghị quyết thì có giải quyết được vấn đề không?”.
Ông Hiển đề nghị với dự án Luật đất đai cần nhìn tổng thể, giải quyết bài bản chứ không thể giải quyết một vài điểm.
Cũng trình bày về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: “nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai ra khỏi chương trình năm 2020”.
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện luật này tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV (tháng 10-2021) mà không cần ban hành nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc (vì về bản chất việc ban hành nghị quyết cũng là sửa đổi, bổ sung Luật đất đai)” – ông Tùng phân tích.
Nguồn: tuoitre.vn