Đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuống cấp nghiêm trọng, Bộ GTVT xin được áp dụng thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, cấp bách. Nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý có thể triển khai thi công ngay trong tháng 7/2020.
Cụ thể, với 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), do tính chất cấp bách của dự án để sớm triển khai thi công, Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, cấp bách theo quy định tại Điều 128, 130 Luật Xây dựng và Điều 42, 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách dự kiến có thể triển khai thi công ngay trong tháng 7/2020, nhanh hơn khoảng 6 tháng so với thực hiện theo quy trình thông thường, Bộ này khẳng định.
Bộ GTVT cũng đã lên kế hoạch, với mốc thời gian cụ thể cho từng bước, để kịp khởi công đồng thời hai dự án trước ngày 15/7/2020.
Hai sân bay lớn nhất Việt Nam là Tân Sơn Nhất và Nội Bài có nguy cơ phải đóng cửa do đường lăn xuống cấp nghiêm trọng |
Số vốn để triển khai hai dự án cải tạo đường cất hạ cánh được bổ sung từ danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kế hoạch 2020 từ nguồn tăng thu ngân sách 2019 là 828 tỷ đồng và năm 2021 bố trí số vốn còn lại khoảng 3.500 tỷ đồng. Bộ GTVT lý giải, nếu chờ kế hoạch trung hạn 2021-2025 sẽ không có vốn cho khối lượng thi công nửa đầu năm 2021.
Trước đó, Bộ GTVT đã có báo cáo về hiện trạng đường băng tại sân bay Hà Nội và Tân Sơn Nhất xảy ra tình trạng xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, nứt vỡ bê tông… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bay.
Tuy nhiên, theo quy định, do khu bay thuộc tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nên việc đầu tư, sửa chữa thực hiện bằng vốn ngân sách. Song, nhiều năm qua, ngân sách chưa bố trí được trong khi DN quản lý sân bay lại sẵn sàng bỏ tiền ra để cải tạo đường băng nhưng không được chấp nhận do DN này đã cổ phần hóa.
Do đó, hồi đầu năm 2020, trong văn bản trình Chính phủ kế hoạch bố trí vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Bộ GTVT đề xuất 3 phương án (sử dụng vốn đầu tư công, vốn từ DN và vốn chênh lệch thu, chi từ khai thác tài sản khu bay do DN quản lý).
Đến nay, Bộ Giao thông vận tải cho biết, liên quan đến thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tại Thông báo Kết luận số 126/TB-VPCP ngày 25/3/2020 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công.
Ngoài ra, bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách TƯ năm 2019 cho dự án đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán).
Nguồn: vietnamnet