“Trong số 12 người nhờ (20 thí sinh) đều là người thân, ân nhân, bị cáo nhờ nâng điểm để… tạo phúc” – bị cáo Lê Thị Dung nói như vậy tại phiên tòa xét xử vụ gian lận thi THPT năm 2018 ở Hà Giang diễn ra ngày 15-10.

Xét xử vụ gian lận thi cử Hà Giang: Nhờ nâng điểm để… tạo phúc - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Thị Dung tại tòa sáng 15-10 

Cuối giờ xét xử sáng nay 15-10, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục xét hỏi bị cáo Lê Thị Dung – nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang.

Bị cáo Lê Thị Dung bị truy tố về tội “lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 Bộ luật hình sự 2015 do có hành vi nhờ nâng điểm cho 20 thí sinh được 12 người thân quen nhờ giúp đỡ.

Trả lời HĐXX, bị cáo Dung thừa nhận: “Cáo trạng truy tố đúng, tôi không có ý kiến gì”

Bị cáo Dung khai đầu năm 2018 có qua nhà bị cáo Nguyễn Thanh Hoài – nguyên trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang – chơi và nói chuyện có cháu thi THPT 2018.

“Đến tháng 6-2018, tôi có đưa một danh sách có 4 thí sinh và một tin nhắn cháu tôi nhắn vào máy anh Hoài anh xem xét giúp đỡ các cháu trên tinh thần anh giúp trên phạm vi có thể giúp được. Bị cáo không đưa ra số lượng điểm, bị cáo nhờ trên tinh thần tình cảm, không vật chất gì” – bị cáo Dung nói.

Lý giải về lý do tiếp tục đặt vấn đề nhờ ông Hoài giúp thêm 15 thí sinh khác, bà Dung nói: “Vài hôm sau, tôi suy nghĩ đã nhờ năm trường hợp rồi, còn hơn chục trường hợp nữa đều là các ân nhân, nếu không giúp được thì tâm can tôi cũng áy náy. Có 12 người (20 thí sinh) nhờ tôi, đây đều là người thân, ân nhân của tôi” – bị cáo Dung nói.

Trong số 12 người có con/cháu nhờ nâng điểm, ngoài một số trường hợp người thân là anh em trong gia đình, bị cáo Dung khai một số trường hợp được giúp nâng điểm như là ‘đáp lễ’. Đơn cử trường hợp một người tên Mai là đồng hương gia đình chồng ở Sơn Dương, Tuyên Quang nhờ nâng điểm cho con. “Vợ chồng tôi đi công tác xa, chị Mai thường xuyên qua chăm sóc bố mẹ tôi lúc trái nắng giở trời nên tôi quan tâm giúp chị ý” – bà Dung khai.

“Chị Phúc nhờ cho con trai. Từ năm 2013, tôi ốm nặng, nằm viện suốt, phải sang Trung Quốc điều trị. Chị Phúc bán hàng mã ở đền Cầu Má, giúp tôi trong sắp lễ, cầu cúng cho tôi, không có vật chất thì cũng là tinh thần nên tôi mang ơn chị ấy. Tiếp theo là anh Long, trú tại phường Tân Quang, tỉnh Tuyên Quang, là nhân viên trông xe ở bệnh viện tỉnh. Nói thật với quý tòa vì thời gian tôi nằm viện anh ấy giúp đỡ mua bán các thứ rất là nhiều, nên tôi coi anh ấy như ân nhân, nên tôi nhờ nâng điểm cho con trai anh ấy” – bị cáo Dung khai và giải thích.

Về trường hợp “chị Ngân ở tỉnh Thanh Hóa”, bị cáo Dung khai: “Nói thật với quý tòa, hơn 1 tháng điều trị bệnh ở bệnh viện Bạch Mai, tôi cùng chị ấy điều trị và quen nhau. Nhiều lúc tôi đang khỏe lại quay ra chuếnh choáng mà không có người nhà tôi bên cạnh thì chị ấy và người nhà chị ấy giúp tôi, kể cả đi vệ sinh cá nhân. Chị ấy là ân nhân của bản thân tôi nên tôi nhờ nâng điểm cho con trai chị Ngân”.

Đáng chú ý, trong số 20 thí sinh được bị cáo Hoài nhờ nâng điểm có thí sinh Nguyễn Văn Du được nâng 29,795 điểm so với điểm thực.

“Những người nhờ giúp không phải là người Hà Giang. Vì sao họ biết mà nhờ giúp?” – HĐXX hỏi. Bị cáo Dung đáp: “Họ biết tôi làm ở Hà Giang thì nhờ”. Bị cáo Dung cho hay chỉ nhờ ông Hoài với mong muốn được ông này giúp trong phạm vi cho phép.

“Chính bản thân tôi lúc đi nhờ chỉ nghĩ tới việc tạo phúc, chứ không nghĩ anh Hoài nâng tới ngần ấy điểm. Lúc đó tôi mới biết đó là vi phạm pháp luật” – bị cáo Dung nói

Chủ tọa nói: “Tác động nâng nửa điểm cũng là vi phạm pháp luật. Muốn tạo phúc phải làm việc đúng pháp luật”.

Luật sư hỏi bị cáo Dung: “Tại sao lại có quá nhiều người tỉnh khác cũng đến Hà Giang dự thi? Dư luận đang đồn thổi mỗi suất thi đỗ vào các trường công an, nếu được nâng điểm sẽ mất từ 1 – 1,2 tỉ đồng. Bị cáo là công an và có thấy rằng cần phải đề nghị cơ quan tố tụng, các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này, nhằm làm trong sạch lực lượng công an hay không?”.

Bị cáo Lê Thị Dung khẳng định mình giúp các thí sinh chủ yếu vì tình cảm, không phải vì tiền. “Nhưng nếu dư luận nói tôi làm vì tiền, vì lợi ích thì tôi cũng xin đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ” – bị cáo Dung nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : gian lận thi cửhà giangHĐXXphiên tòa

Các tin liên quan đến bài viết