Xe hơi trên 1,5 tỉ sẽ phải chịu thuế tài sản. Nhưng nếu chiếc xe đó chạy Grab hay VATO thì có thể lách được? Liệu điều đó có phù hợp với “thông lệ quốc tế”?

Xe hơi trên 1,5 tỉ không kinh doanh... phải đóng thuế tài sản? - Ảnh 1.

Xe hơi trị giá trên 1,5 tỉ sẽ bị đánh thuế tài sản? 

Không chỉ với đất ở, tờ trình của Bộ Tài chính cũng đề nghị đánh thuế tài sản đối với máy bay, du thuyền, xe hơi có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên. Mức áp dụng mức thuế suất là 0,4%, bằng mức thuế suất đối với đất ở.

Kinh doanh thì khỏi đóng thuế?

Tuy nhiên, nếu các tài sản này nếu có giá trị hơn 1,5 tỉ đồng được sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách thì không phải là đối tượng chịu thuế.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, việc không đánh thuế tài sản với loại xe hơi dùng chở hàng hóa phục vụ sản xuất là đúng.

Nhưng để xác định rõ mục đích xe phục vụ cho nhu cầu cá nhân hay dùng để tham gia kinh doanh chở hành khách, hàng hóa là không dễ. 

Ông Trinh nói rằng có không ít xe cá nhân có giá trị cao đang hoạt động kinh doanh vận tải thông qua các ứng dụng gọi xe như Grab, VATO hay Uber trước đây.

Theo đó, các tài xế sở hữu xe cá nhân muốn chạy xe cho các hãng trên đều phải đăng ký qua hợp tác xã kinh doanh vận tải mới được cấp logo để chạy.

Chẳng hạn, hãng Grab gọi khách cho tài xế nhưng lại không phải doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Vậy thì những chiếc xe trị giá hơn 1,5 tỉ này chạy cho các dịch vụ của Grab hay VATO, hay các dòng VIP của Vinasun, liệu có lách được thuế tài sản vì hoạt động vận tải, kinh doanh?

“Giá xe hơi ở Việt Nam vốn đã cao do chịu nhiều chi phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt. Bây giờ nếu phát sinh thêm thuế tài sản nữa, cơ quan quản lý phải xem xét mức đóng thế nào cho phù hợp là chuyện không dễ”, ông Bùi Trinh nói.

Chỉ 3 nước đánh thuế động sản

Trong tờ trình, Bộ Tài chính cũng thừa nhận kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiện chỉ có “3 nước là Hàn Quốc, Kazakhstan, Bolivia đánh thuế tài sản đối với động sản bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện trong đó có xe hơi, tàu bay, tàu thuyền.

Trong 3 quốc gia đó, theo Bộ Tài chính, Hàn Quốc chỉ đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền, chứ không đánh thuế xe hơi.

Còn theo số liệu do Bộ Giao thông – Vận tải cung cấp, 100% số lượng tàu bay, du thuyền đăng ký ở Việt Nam, thuộc sở hữu của các tổ chức. Không có máy bay, du thuyền nào đăng ký thuộc sở hữu tư nhân.

Do đó, Bộ Tài chính cũng để thêm phương án không tính thuế nhóm này.

Theo ông Bùi Trinh, trong điều hành kinh tế, thuế là kẻ thù của tăng trưởng cho nên các nhà quản lý phải luôn cân nhắc rằng đánh thuế thế nào cho phù hợp, vẫn tăng trưởng và đảm bảo được an sinh xã hội.

Thuế càng cao, sự méo mó kinh tế càng nhiều, do đó, không nên đánh thuế một cách bừa bãi.

“Mỗi lần ban hành một sắc thuế mới, Bộ Tài chính hay dựa vào câu “phù hợp với thông lệ quốc tế”. Nhưng như thế nào là phù hợp khi tình trạng chi tiêu ngân sách của Việt Nam đang rất không ‘theo thông lệ’, hơn 73% ngân sách dùng vào cho chi thường xuyên, tiền thuế đang được vô tư đi xây cổng chào, đài tưởng niệm, đầu tư kém hiệu quả.”, ông Bùi Trinh nhắc lại.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bộ Giao thông vận tảiBộ Tài Chínhgiá tính thuếkinh doanh vận tảingười giàuxe cá nhân

Các tin liên quan đến bài viết