Lộc Khánh là xã vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới Lộc Ninh, có trên 1.500 người, trong đó trên 40% là đồng bào dân tộc S’tiêng, Khơme. Nhờ thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nên những năm qua tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Lộc Khánh phát triển, quốc phòng – an ninh luôn giữ vững, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Ông Lâm Mây, Chủ tịch UBMTTQVN xã cho biết: Những năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã đi vào đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt tại các ấp đồng bào dân tộc thiểu số bà con luôn tích cực tham gia. Để cuộc vận động đạt kết quả tốt, ngay từ đầu năm 2016, chính quyền xã đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động theo từng quý, năm; động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Ngoài ra, UBMTTQVN xã và các tổ chức thành viên đều có nội dung, hình thức tuyên truyền cuộc vận động ở khu dân cư thiết thực, phong phú, gắn với các phong trào thi đua, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa bàn, thu hút hàng ngàn lượt hội viên, đoàn viên và người dân tham gia. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể từ xã đến ấp quan tâm triển khai thực hiện. Nhờ đó, hủ tục dần được xóa bỏ, những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn được gìn giữ và phát huy.

Để giúp 45 hộ tổ 4 có điện, anh Trần Văn Chiến và Trần Văn Đông ở tổ 3, ấp Đồi Đá đã hiến đất cho đường điện đi qua 500m – Ảnh: P.Thảo

Nổi bật nhất trong thực hiện cuộc vận động năm 2016 ở xã Lộc Khánh là đầu năm có 100% khu dân cư đăng ký văn hóa và 1.544/1.544 hộ dân đăng ký gia đình văn hóa, đạt 100%. Kết quả bình xét cuối năm, có 6/6 khu dân cư văn hóa, trong đó có 3 khu dân cư gồm: Chà Đôn, Ba Ven, Sóc Lớn lần đầu đạt danh hiệu văn hóa và 3 khu dân cư gồm: Đồi Đá, Quyết Thành, Cần Lê giữ vững danh hiệu văn hóa từ 2 năm liên tục trở lên. Có 1.481/1.544 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt 96%.

Không chỉ đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, phát triển kinh tế ổn định, nhân dân xã Lộc Khánh còn chung sức xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, đầu năm 2016 đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp xây dựng và hoàn thành 7 công trình đường giao thông nông thôn tại 6 ấp Đồi Đá, Ba Ven, Cần Lê, Chà Đôn, Quyết Thành, Sóc Lớn và làm bờ kè thoát nước ấp Đồi Đá. Tổng kinh phí thực hiện các công trình trên 4,331 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ vật tư gồm: cát, đá, xi măng trên 3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp tiền và ngày công lao động trên 1,299 tỷ đồng. Người dân còn tự nguyện hiến đất, cây trồng, hoa màu để mở rộng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, khang trang hơn.

Cũng trong năm nay, xã đã xây dựng và sửa chữa 8 nhà đại đoàn kết cho hộ khó khăn về nhà ở với tổng trị giá trên 200 triệu đồng; trong đó Quỹ “Mái ấm người nghèo” huyện hỗ trợ 120 triệu đồng, mỗi hộ được xây tặng nhà góp thêm 10-30 triệu đồng để căn nhà khang trang hơn. Việc làm này có ý nghĩa thiết thực, động viên tinh thần để các gia đình nghèo trên địa bàn huyện tiếp tục vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt xóa đói giảm nghèo tại địa bàn.

Từ kết quả đạt được, nhiều năm liền xã Lộc Khánh trở thành điển hình trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tại địa bàn huyện Lộc Ninh, được UBMTTQVN tỉnh tặng bằng khen.

Thanh Hà (BPO)

Từ khóa : Ba VenChà Đônhủ tụcnông thôn mớiSóc Lớn

Các tin liên quan đến bài viết