Triển khai các dự án có tính chất thay đổi bộ mặt chung TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vẫn kiên định hướng phát triển đô thị xanh.

Xây dựng đô thị Đà Lạt xanh, định hướng đô thị thông minh - Ảnh 1.

Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm được xác định sẽ là trung tâm du lịch mới của Đà Lạt trong thời gian tới

Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg (sau đây gọi chung là Quy hoạch chung 704) làm nền để xây dựng đô thị Đà Lạt xanh, định hướng đô thị thông minh.

Xu hướng đô thị xanh – thông minh

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết các cấp chính quyền đã bám sát Quy hoạch chung 704 để phát triển TP. Đà Lạt hiện hữu và các đô thị vệ tinh trong tương lai theo đúng định hướng của Chính phủ.

Đồ án không chỉ xử lý những áp lực đô thị của Đà Lạt mà còn hướng đến năm 2030 Đà Lạt trở thành một đô thị hiện đại – thông minh, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.

Xây dựng đô thị Đà Lạt xanh, định hướng đô thị thông minh - Ảnh 2.

Ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Novaland (thứ 2 từ phải sang) cùng trồng cây với UBND tỉnh Lâm Đồng 

Đà Lạt không mở rộng ranh giới hành chính mà xác định những vùng đất tương đồng với Đà Lạt về mặt thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện phát triển kinh tế để mở rộng môi trường đầu tư cho Đà Lạt và vùng phụ cận. Đồng thời, tạo nên những đô thị vệ tinh hỗ trợ cho sự phát triển của Đà Lạt và lẫn nhau. Đà Lạt tương lai sẽ gồm 6 đô thị vệ tinh lấy Đà Lạt hiện hữu là trung tâm. Đô thị trung tâm và vệ tinh sẽ đảm nhiệm những chức năng khác nhau có tính tương hỗ.

Theo Quy hoạch chung 704, các đô thị trong vùng được kết nối với nhau thành chuỗi các đô thị vệ tinh đối trọng của thành phố Đà Lạt; Tiếp cận xu hướng đô thị xanh, một đô thị phong cảnh có tính chất đặc thù – du lịch sinh thái rừng.

Theo tính toán, có 25 khu được thành lập, các phân khu này tương hỗ để phát triển một đô thị thông minh và tạo nền tảng để tiếp tục hoàn thiện trong tương lai.

Tái thiết kế “vườn địa đàng”

Trong các quy hoạch trước đó, Đà Lạt luôn được nhìn nhận là “vườn địa đàng”

Kiến trúc sư Thierry Huau (Pháp)

Bài toán quy hoạch xanh cho tương lai được tính toán không chỉ mới đây, trước thời điểm Chính phủ phê duyệt quy hoạch thì câu chuyện này đã được luận bàn một cách nghiêm túc. “Xanh” là nội dung trọng tâm được những chuyên gia quy hoạch đề cập khi tính toán các phương án phát triển đô thị đối với Đà Lạt.

Kiến trúc sư Thierry Huau (chuyên gia quy hoạch đô thị người Pháp, một trong những tác giả của đồ án) nhìn nhận: “Trong quá khứ, người Pháp quy hoạch Đà Lạt theo hướng lấy trung tâm là hồ Xuân Hương và mở rộng tầm nhìn về hướng Lang Biang. Trong các quy hoạch trước đó, Đà Lạt luôn được nhìn nhận là “vườn địa đàng”.

Xây dựng đô thị Đà Lạt xanh, định hướng đô thị thông minh - Ảnh 4.

Khu vực Hồ Xuân Hương nằm trong vùng phát triển của TP. Đà Lạt

“Trong đồ án, tôi đã chỉ ra rằng phải xây dựng nông nghiệp xanh công nghệ cao, dời những khu nhà lưới, nhà kính ra khỏi những thung lũng để trả lại những khoảng xanh. Đà Lạt sẽ thay đổi nhiều theo hướng cảnh quan được thiết kế lại xanh hơn.

Các vùng nông nghiệp có nguy cơ gây ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch được dời ra những vùng vệ tinh. Về đầu tư thương mại và phát triển dân số cũng vậy, tập trung ở các đô thị vệ tinh. Các khu dân cư mới ở đô thị vệ tinh cũng được định hướng những làng sinh thái.

Đà Lạt đóng vai trò một thành phố lịch lãm kéo du khách về nhưng đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng thì các đô thị vệ tinh cùng giải quyết”.

Giãi bày về tầm nhìn của mình, kiến trúc sư Thierry Huau nói: “Chúng ta đang tái thiết kế ‘vườn địa đàng'”.

Xây dựng đô thị Đà Lạt xanh, định hướng đô thị thông minh - Ảnh 5.

Đà Lạt có lợi thế để tiếp tục phát triển đô thị xanh và hướng tới tiêu chuẩn xanh – thông minh 

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng trong những lần đóng góp để xây dựng đô thị xanh Đà Lạt đã bày tỏ chính kiến. Ông nói: “Ai cũng biết Đà Lạt mang đậm kiến trúc của Pháp, được mệnh danh là “tiểu Paris”. Trong bất kỳ hoạt động phát triển Đà Lạt phải luôn nghĩ đến màu xanh.

Đà Lạt đã từng rất xanh, đang xanh và trong tương lai phải được giữ xanh. Các hoạt động tại Đà Lạt không chỉ giữ màu xanh cho đô thị hiện hữu mà cần mở rộng không gian xanh về các đô thị vệ tinh. Hãy làm Đà Lạt hiện tại ổn định quy hoạch trước khi mở rộng Đà Lạt”.

Xây dựng đô thị Đà Lạt xanh, định hướng đô thị thông minh - Ảnh 6.

Các bạn trẻ tham gia trồng cây xanh tại Đà Lạt 

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh trong bối cảnh đô thị Đà Lạt đang có tốc độ phát triển nhanh thì càng phải quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững.

Thêm 50 triệu cây cho Đà Lạt thêm xanh

Mới đây, để nhấn mạnh việc giữ ổn định và phát triển không gian xanh đô thị Đà Lạt và vùng lân cận, tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn nhận trách nhiệm với Chính phủ trồng 50 triệu cây xanh.

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động, kêu gọi hưởng ứng của doanh nghiệp, cộng đồng để có kinh phí hiện thực hóa kế hoạch 50 triệu cây xanh đến năm 2025.

Ngay trong đợt ra quân, Novaland đã tài trợ 11 tỉ đồng cho hoạt động trồng cây của địa phương và trở thành đơn vị đầu tiên tài trợ cho dự án kéo dài 5 năm này. Ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Novaland, cho biết: “Với mục tiêu phát triển bền vững cùng cộng đồng, đồng thời nhằm hiện thực hóa lời phát động của Thủ tướng Chính phủ “Vì một Việt Nam xanh”, Tập đoàn Novaland cùng các thành viên của NovaGroup rất hân hạnh được tham gia và đồng hành cùng tỉnh Lâm Đồng.

Lâm Đồng với trái tim là thành phố Đà Lạt đã được vinh danh là một Thành phố bền vững về môi trường, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của thế giới”. Theo ông Huy, tập đoàn Novaland sẽ triển khai các hoạt động tương tự tại tỉnh Bình Thuận, góp phần xây dựng thêm mảng xanh cho vùng rừng biển liền nhau này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : đà lạtđô thị thông minhĐô thị xanhhồ Tuyền Lâmlâm đồngNovalandRừng trong thành phố

Các tin liên quan đến bài viết