Với bút danh Trần Lực, tháng 12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” in trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), số 12, sau đó được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật in thành sách. Đây là tác phẩm thể hiện rõ nét nhất, đầy đủ nhất quan niệm đạo đức của Người, có thể coi là kim chỉ nam cho Đảng ta và mọi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Trải qua 60 năm, nhưng những tư tưởng trong tác phẩm đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng đảng.
SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC
Xây dựng đảng vững mạnh về đạo đức là nội dung vô cùng quan trọng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ những ngày đầu mới thành lập Đảng. Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1960), Người đã khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” và yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng trong sáng. Đại hội IV của Đảng năm 1976 cũng yêu cầu “phải xây dựng Đảng vững mạnh về cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta luôn luôn yêu cầu phải xây dựng, chỉnh đốn, mặc dù vậy, vấn đề xây dựng đảng về đạo đức vẫn chỉ được quan tâm ở một mức độ nhất định.
Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ Tịch – Ảnh: Tư liệu
Trước sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, vấn đề xây dựng đảng vững mạnh về đạo đức trở thành mấu chốt sống còn, quyết định vận mệnh của Đảng và tương lai của đất nước, của chế độ. Vì vậy, Đại hội XII của Đảng đã bổ sung nội dung xây dựng đảng về đạo đức trong quá trình tổ chức và hoạt động của mình. Đây là lần đầu tiên, vấn đề xây dựng đảng về đạo đức được tách riêng thành một nội dung độc lập, được đặt ngang hàng với xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Từ đây, công tác xây dựng đảng trở nên bao quát, toàn diện hơn, bao gồm 4 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
MỐI QUAN HỆ GIỮA XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC VỚI XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG, TỔ CHỨC
Hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề xây dựng đảng về đạo đức, song tựu trung lại, đều nhất trí nhận định: Xây dựng đảng về đạo đức là xây dựng và thực hiện những chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, quan niệm nêu trên đã làm rõ chủ thể, đối tượng và mục tiêu xây dựng đảng về đạo đức. Chủ thể là toàn Đảng, toàn dân và từng đảng viên. Đối tượng bao gồm từng tổ chức đảng, đảng viên. Mục tiêu nhằm xây dựng tổ chức đảng đoàn kết, có văn hóa; đội ngũ đảng viên trung thành với mục tiêu lý tưởng, thực hiện đầy đủ, đúng đắn những quy định về tư cách của người đảng viên trong Điều lệ và các quy định khác của Đảng, góp phần xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh.
Trong 4 nội dung thì xây dựng đảng về chính trị là tổng quát, bao trùm; tư tưởng, tổ chức giữ vị trí đặc biệt quan trọng, không thể thiếu và đạo đức là cơ sở bảo đảm thành công cho xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. 4 mặt này gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ, bổ sung, tác động qua lại lẫn nhau, là cơ sở, tiền đề và là hệ quả của nhau, thúc đẩy nhau, vì mục tiêu xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ thành công. Chúng ta chú trọng xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức nhưng không một phút nào được xao nhãng việc chăm lo xây dựng đảng về đạo đức. Bởi, đây là vấn đề cốt tử, quyết định vận mệnh của Đảng, tương lai của đất nước hiện nay.
NỘI DUNG, GIẢI PHÁP XÂY DỰNG ĐẢNG VỮNG MẠNH VỀ ĐẠO ĐỨC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Để xây dựng đảng vững mạnh về đạo đức, phải thực hiện đồng bộ, triệt để hệ thống các nội dung, biện pháp, song quá trình tổ chức, triển khai cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:
Một là, xây dựng và thực hiện nghiêm hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân; xây dựng đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do mỗi đảng viên đều tốt. Muốn vậy, từng đảng viên phải xác định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong tổ chức và với nhân dân. Do đó, nhất thiết phải ban hành và thực hiện triệt để hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của đảng viên với tổ chức đảng và nhân dân. Xây dựng đạo đức công vụ, xác định rõ các tiêu chí, chuẩn mực để cán bộ, đảng viên thực hiện đúng “đối với việc, đối với người và đối với mình”, hình thành phong cách tận tụy trong công việc, thân ái với đồng chí, kính trọng, gần gũi nhân dân, tự trọng, nghiêm khắc với bản thân, nói đi đôi với làm.
Hai là, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, gắn với giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các quy định của Đảng đối với cán bộ, đảng viên. Nội dung giáo dục phải toàn diện, sát với chức trách, nhiệm vụ mỗi đảng viên, tránh chung chung, “đao to búa lớn”; kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng, xây dựng nhân cách với hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của từng đảng viên. Mục đích cuối cùng nhằm hướng đảng viên tới chân – thiện – mỹ, xứng đáng “là người đầy tớ tận tụy, trung thành của nhân dân”, góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay.
Ba là, thực hành tự phê bình và phê bình, chân thành tiếp thu ý kiến đóng góp, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng và đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Phê bình và tự phê bình như là cơm ăn, nước uống hằng ngày; là vũ khí sắc bén giúp mỗi tổ chức đảng và đảng viên nhận ra khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa, khắc phục để tiến bộ mãi. Trong tự phê bình và phê bình, điều cốt yếu là phải chân thành tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, vì “nhân dân là tai mắt của cách mạng”. Đảng viên là “đầy tớ” của nhân dân, vì vậy, trong mỗi lời nói, việc làm phải hướng vào hoàn thành vai trò “đầy tớ” đó, phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Bốn là, xây dựng đảng về đạo đức, trước hết phải triệt để thực hành việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nêu gương là biện pháp quan trọng nhất để xây dựng đạo đức cách mạng cho đảng viên, bởi vì “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong các nhiệm kỳ Đại hội XI và XII, Đảng ta đã cụ thể hóa việc nêu gương của đảng viên thành hệ thống các tiêu chí, chuẩn mực rất cụ thể, sát với chức trách, nhiệm vụ từng cương vị công tác. Điều cốt yếu là mỗi đảng viên phải tự giác, thật thà thực hiện các quy định đó, đồng thời làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của tổ chức đảng đối với việc nêu gương của mỗi đảng viên. Có như vậy, chúng ta mới tránh được tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, vì theo Bác, lãnh đạo mà không có kiểm tra thì cũng như là không có lãnh đạo vậy.
Tóm lại, những quan điểm nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng đảng vững mạnh về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu nhiệm vụ sống còn của Đảng, của mỗi tổ chức đảng và đảng viên hiện nay. Mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần coi việc rèn luyện đạo đức cách mạng là nhu cầu tự thân phải thực hiện cho chính mình, vì chính sự phát triển của cá nhân và tập thể mình.
Theo Báo Bình Phước