Mỗi lít xăng bán ra thị trường “gánh” gần 40% chi phí thuế. Trong đó thuế bảo vệ môi trường có mức thu cao nhất.
Thuế phí trên một lít xăng là bao nhiêu?
Hiện nay, một lít xăng chịu nhiều loại thuế. Cụ thể, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, còn có một số khoản không phải là thuế, nhưng cũng được đưa vào làm cơ sở để tính giá xăng dầu như chi phí định mức, lợi nhuận định mức, Quỹ bình ổn giá (trong đó mức trích Quỹ bình ổn giá là linh hoạt hơn).
8 loại chi phí hình thành nên giá xăng. |
Cụ thể, cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập + chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng với E5, 4.000 đồng với RON 95).
Ngoài ra, còn có chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5), lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích quỹ bình ổn (300 đồng, nhưng biến động theo thực tế mỗi kỳ điều hành).
Giá bán xăng E5 sau kỳ điều chỉnh ngày 26/10 là 23.110 đồng/lít. Giá bán xăng RON95 là 24.430 đồng/lít. Tỷ lệ thuế trong giá bán ra của xăng E5 chiếm khoảng 39% giá bán. Còn tỷ lệ thuế trong mỗi lít xăng RON95 bán ra thị trường chiếm khoảng 38% giá bán.
Tỷ lệ thuế trên mỗi lít xăng E5 và xăng RON 95 là không có nhiều khác biệt |
Có thể thấy, trong 4 loại thuế đánh vào xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường là chiếm tỷ lệ cao nhất, “gắn” với số tiền tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Do đó, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh, chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu là không đổi.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế. |
Cho nên vào tháng 3/2020, khi giá xăng lao dốc mạnh, chỉ còn 12.560 đồng/lít xăng RON95 thì tỷ lệ thuế khi đó chiếm tới 49% trên mỗi lít xăng RON95 và chiếm 47% trên mỗi lít xăng E5 (biểu đồ dưới đây cho thấy điều đó).
Thời điểm tháng 3/2020, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.
Khi đó Bộ Công Thương cũng đánh giá tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu ở mức cao (khoảng 55-60% đối với mặt hàng xăng, 35-40% đối với mặt hàng dầu). Trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11-20% đối với mặt hàng dầu.
Đặc biệt Bộ Công Thương đề nghị xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5RON92 cho phù hợp với thực tế để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng RON92 như hiện nay được Bộ Công Thương đánh giá là chưa phù hợp. Bởi vì xăng E5 RON 92 có 95% là xăng RON 92 và 5% là ethanol.
“Không nên một cách cơ học lấy 95%, chỉ khác nhau 5% mà phải đánh giá dựa vào mức độ khí phát thải khi sử dụng xăng E5”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Song từ đó đến nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vẫn được giữ nguyên.
Đóng góp lớn vào ngân sách
Xăng dầu thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2012. Tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể theo các nguyên tắc đã được xác định tại Luật. Từ đó đến nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã qua nhiều lần tăng.
Từ 1/1/2012, xăng bắt đầu chịu thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít. Dầu diesel mức thu 500 đồng/lít; dầu hoả, dầu mazút, dầu nhờn mức thu 300 đồng/lít; mỡ nhờn mức thu 300 đồng/kg.
Tiếp đó, từ 1/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) và một số mặt hàng xăng dầu khác…
Từ 1/1/2019 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung. Theo đó, thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường…
Tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường nói chung so với tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ hơn 1% lên hơn 4% (năm 2019 là 4,07%).
Thuế bảo vệ môi trường, với sự đóng góp chủ yếu của mặt hàng xăng dầu, đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách sau mỗi lần tăng thuế. |
Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, các khoản thu từ thuế, phí và các khoản thu khác trong đó có thuế bảo vệ môi trường được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước.
Đây không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, có nghĩa không phải thu thuế bảo vệ môi trường là toàn bộ tiền đó dành riêng cho việc bảo vệ môi trường. Bộ Tài chính nhiều lần cho biết số chi cho bảo vệ môi trường nói chung thực tế lớn hơn số thu từ thuế bảo vệ môi trường. Việc quản lý, sử dụng khoản thu này được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và được Quốc hội phê duyệt hàng năm.
Nguồn: vietnamnet