Ngày 24-3-2017, tại số 38 Võ Văn Tần, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, từ 8 đến 12 giờ, chuyên trang điện tử Chavame.com phối hợp với Báo Phụ Nữ Việt Nam tổ chức hội thảo “Bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại tình dục”. Thông tin từ hội thảo này cho biết, thời gian gần đây, trên cả nước liên tục xảy ra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và hết sức phức tạp. Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát, trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 1.000 vụ được ghi nhận, cứ 8 giờ lại có thêm 1 trẻ bị xâm hại tình dục.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hành vi xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có tính chất phức tạp và độ tuổi bị xâm hại ngày càng thấp. Số trẻ em bị xâm hại tình dục chủ yếu là bị hiếp dâm (chiếm 65,9%), đối tượng phạm tội phần lớn là người gần gũi với nạn nhân, thậm chí là người thân “trong nhà” (chiếm 56,1%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chính từ lỗ hổng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại tình dục là kiến thức của cha mẹ và chính các em bé. Bản thân các bậc làm cha mẹ không nhận thức được những trường hợp nguy cơ cao dẫn đến trẻ bị xâm hại. Trong khi đó, các em không được nhà trường và cha mẹ trang bị kiến thức để có thể tự bảo vệ mình. Cụ thể là trẻ em ở nhà một mình, đi một mình nơi vắng vẻ… dẫn đến việc bị xâm hại tình dục (chiếm 51,4% số vụ trẻ bị xâm hại). Nguyên nhân thứ hai là do các quy định trong hệ thống luật pháp chưa đưa ra và xử lý các hành vi nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em. Cụ thể là trong Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật khác không có quy định những hành vi như nhìn, ngắm, vuốt ve, sờ mó, ôm ấp… là hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Và còn một số nguyên nhân khác dẫn đến xâm hại tình dục trẻ em là do đối tượng uống rượu say (17,7%); bị kích thích trực tiếp từ băng ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy (8,8%)…

Minh họa: S.H

Trong bài viết này, xin chỉ tiếp cận vấn đề từ góc độ pháp luật hình sự hiện nay so với quy định của người xưa về vấn đề này. Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự hiện hành có tới 5 điều luật, với rất nhiều chế tài quy định hình thức xử phạt về các tội danh có liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em: Tội hiếp dâm (Điều 141); Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm (Điều 143); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145). Cụ thể, về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tại Khoản 1, Điều 142 có quy định người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

Đối với tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tại Khoản 1, Điều 144 có quy định như sau: Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tại các khoản 1 và 2 của Điều 145 có quy định: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi… thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.

Có thể nói pháp luật hình sự hiện hành đã quy định chặt chẽ về các hành vi phạm tội cũng như những chế tài đối với các hành vi phạm các loại tội này. Nhưng so với quy định của người xưa thì xem ra Bộ luật Hình sự hiện hành còn mang nặng tính nhân đạo, chưa đủ sức răn đe đối với loại tội phạm này. Cụ thể là tại Điều 402 của Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) có quy định như sau: Kẻ nào hiếp dâm thì xử lưu hay chết. Phải nộp tiền tạ tội hơn một bậc đối với tiền tạ tội gian dâm thường. Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc đánh người bị thương. Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết. Theo quy định trên, những ai phạm phải tội “hiếp dâm” thì một là bị lưu đày, hai là phải chết, đồng thời người phạm tội còn phải chịu hình phạt bổ sung là phải nộp tiền tạ tội hơn một bậc đối với tiền tạ tội gian dâm thường. Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc đánh người bị thương. Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết.

Điều 404 của luật này cũng đã quy định rất ngắn gọn, cụ thể, dễ thực thi và cũng rất nặng đối với người vi phạm. Cụ thể, Điều 404 của Bộ luật Hồng Đức có quy định như sau: Gian dâm với con gái nhỏ 12 tuổi trở xuống, dù nó thuận tình thì vẫn xử như tội hiếp dâm. Cứ theo quy định trên thì người phạm tội này chẳng những bị xử chết, mà tài sản là nhà cửa, ruộng vườn cũng chẳng còn gì. Có lẽ vì chế tài như vậy mà người xưa không dám hoặc rất ít ai phạm vào tội này?

Và nếu đúng thì hậu thế cũng có thể xem đây là bài học trong việc xây dựng pháp luật hình sự?

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn

Từ khóa : 24h Bình PhướcLuật hình sựtôi hiếp dâmxâm hại tình dục

Các tin liên quan đến bài viết