Những năm qua, hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, phát triển từ tỉnh đến thôn, ấp, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ nguồn vốn được đầu tư hằng năm, các cơ sở y tế đã và đang được xây mới hoặc nâng cấp cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Nhiều bệnh viện tuyến huyện được tuyến trên tăng cường, hỗ trợ cán bộ, trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật. Nhiều kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới đã được triển khai có hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh còn có các cơ sở y tế của ngành cao su và lực lượng quân y, y tế của bộ đội biên phòng, Binh đoàn 16, công an. Hệ thống này đã cùng với ngành y tế tỉnh triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Người dân chờ làm thủ tục khám, chữa bệnh ở Phòng khám đa khoa Tâm Đức (Đồng Xoài) – Ảnh: Sỹ Hòa
Sự tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng của ngành y tế trong những năm qua là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng chuyên môn, từng bước cải thiện sức khỏe người dân, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân vì đói nghèo và bệnh tật là vòng lẩn quẩn, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội. Từ mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe được củng cố, phát triển; các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác y tế cũng như các chương trình y tế tại địa phương nên các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân đã nâng cao ý thức chăm lo, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Các chương trình mục tiêu y tế, nhất là chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, nguồn nước, công trình vệ sinh, làm mẹ an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ, hiến máu nhân đạo, an toàn trong sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, trồng cây thuốc nam, rèn luyện thân thể… đã được cộng đồng tham gia tích cực và đem lại hiệu quả cao. Nhiều khu dân cư được công nhận “Làng văn hóa sức khỏe”.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã huy động đóng góp, hỗ trợ tài chính cho khám, chữa bệnh, bảo trợ bệnh nhân nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật như: phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch đem lại nụ cười trẻ thơ; phẫu thuật mắt đem lại ánh sáng cho người khiếm thị; phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em; tổ chức bếp ăn tình thương tại các bệnh viện… Nhờ sự tham gia tích cực của cộng đồng đã tạo nên nguồn lực không nhỏ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 1 bệnh viện đa khoa tư nhân với quy mô 120 giường bệnh (Bệnh viện Thánh Tâm), 16 phòng khám đa khoa và hàng trăm cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược phẩm nhỏ lẻ. Hệ thống y tế tư nhân đã và đang góp phần tích cực cùng với y tế nhà nước thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. |
Tuy nhiên, sự đòi hỏi của người dân về chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ không đáp ứng được. Việc người dân đổ về các bệnh viện lớn ở tuyến Trung ương để khám, chữa bệnh diễn ra khá phổ biến nên những năm qua, tỉnh đã chủ trương đa dạng hóa các hình thức chăm sóc sức khỏe để huy động thêm nhiều nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ y tế. Với sự ra đời và phát triển của hệ thống y tế ngoài công lập đã tạo điều kiện cho nhân dân được lựa chọn các dịch vụ y tế phù hợp và thuận tiện; đồng thời giảm gánh nặng cho hệ thống y tế công lập. Số cơ sở hành nghề y – dược tư nhân ngày càng tăng, đa dạng về loại hình và được phát triển đến tận vùng sâu, vùng xa.
Ngành y tế là một trong 6 đơn vị điểm của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương khóa XII về tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, ngành đã xây dựng đề án kiện toàn, củng cố mạng lưới y tế phù hợp với địa phương. Từ 12 đầu mối cấp tỉnh đã giảm còn 7 thông qua việc sáp nhập các đơn vị thuộc hệ dự phòng vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Ở tuyến huyện cũng đã sáp nhập trung tâm y tế làm nhiệm vụ dự phòng với bệnh viện đa khoa thành trung tâm y tế với 2 chức năng phòng và khám chữa bệnh. Ngành đang tập trung sáp nhập trung tâm dân số vào trung tâm y tế; đồng thời sắp xếp lại tổ chức và hoạt động của các trạm y tế phường, thị trấn theo hướng tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn, trong đó giảm chức năng khám chữa bệnh, tập trung thực hiện chức năng y tế dự phòng, y tế cộng đồng.
Trong hoàn cảnh phải tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương và đề án của Tỉnh ủy, ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa. Không chỉ tạo điều kiện để y tế tư nhân tham gia vào công tác khám chữa bệnh, ngành còn tạo điều kiện để xã hội hóa các hoạt động y tế dự phòng trên cơ sở bảo đảm các quy định của ngành. Qua đó đa dạng hóa, tạo điều kiện để người dân có nhiều lựa chọn và ngày càng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Báo Bình Phước