AI trong ngành y tế là rất hứa hẹn nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức, vì vậy cần phải có khung pháp lý và nhiều quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư.
Cần có quy định cho việc sử dụng AI trong y tế
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố tài liệu Những cân nhắc về quản lý với trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành sức khỏe, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ thống AI an toàn và hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sự đối thoại giữa các bên liên quan về việc sử dụng AI như một công cụ hiệu quả trong y tế.
Tài liệu cho thấy việc ứng dụng AI trong y tế có nhiều tiềm năng, nhất là trong bối cảnh dữ liệu y tế ngày càng nhiều và tăng nhanh về số lượng, cùng với đó là sự tiến bộ của các công cụ, kỹ thuật phân tích dữ liệu.
Chẳng hạn AI có thể giúp ích đáng kể việc chăm sóc sức khỏe thông qua hỗ trợ các thử nghiệm lâm sàng, cải thiện chẩn đoán y tế, giúp tăng thêm kiến thức và năng lực cho các nhân viên y tế.
Thực tế cho thấy việc ứng dụng AI vào y tế đang được nhiều quốc gia và các hãng công nghệ quan tâm. Theo trang tin Healthcare IT News, chính quyền bang Tây Úc của Úc mới đây đã dành khoảng 590.000 USD hỗ trợ cho các dự án thúc đẩy sử dụng AI trong y tế.
Theo tạp chí Forbes, hai công ty Microsoft và Google cũng đã tung ra các công nghệ lưu trữ đám mây dành riêng cho y tế. Các sản phẩm này hỗ trợ tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, giúp thiết lập thông tin từ các nguồn khác nhau và xây dựng những quy trình được chuẩn hóa.
Tuy nhiên cũng theo WHO, việc sử dụng AI để xử lý dữ liệu y tế cũng đi kèm với nhiều thách thức bởi đây là những thông tin cá nhân nhạy cảm. Vì vậy cần phải có khung pháp lý và nhiều quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư.
“AI trong ngành y tế là rất hứa hẹn nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức, bao gồm việc thu thập dữ liệu phi đạo đức, những rủi ro an ninh mạng hay làm trầm trọng thêm các định kiến hoặc thông tin sai lệch”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, chỉ ra.
Theo WHO, các hệ thống AI phức tạp không chỉ dựa vào thuật toán mà còn vào nguồn dữ liệu mà chúng “học”. Vậy nên quy định chặt chẽ về dữ liệu sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.
Theo đó, WHO đề xuất quy định việc ứng dụng AI vào xử lý dữ liệu y tế cần tham khảo nhiều khung pháp lý liên quan, như Quy định chung về bảo vệ dữ liệu châu Âu (GDPR), Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin bảo hiểm y tế Mỹ (HIPAA).
Nguồn: tuoitre.vn