Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố một thỏa thuận đầu tiên nhằm thúc đẩy sản xuất công nghệ xét nghiệm kháng thể COVID-19 nhằm giúp các nước nghèo chống lại đại dịch.
Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đạt một thỏa thuận toàn cầu vào ngày 23-11, theo Đài truyền hình RT.
Thỏa thuận mở đường cho việc cấp phép công nghệ sản xuất xét nghiệm huyết thanh phát hiện kháng thể COVID-19 (còn gọi xét nghiệm kháng thể COVID-19) tại các quốc gia đang phát triển.
WHO cho biết bản quyền công nghệ này sẽ được cung cấp miễn phí cho các quốc gia nghèo và có thu nhập trung bình.
Theo thỏa thuận, CSIC sẽ cung cấp công nghệ xét nghiệm kháng thể COVID-19 như một loại hàng hóa công cộng trên toàn thế giới. Giấy phép xét nghiệm do Tổ chức cấp bằng sáng chế dược phẩm (MPP) của WHO ký.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết động thái này là cần thiết để “lật ngược tình thế đối với đại dịch. Qua đó giúp giảm thiểu sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiếp cận các công nghệ xét nghiệm COVID-19”.
“Đây là loại giấy phép công khai và minh bạch mà chúng ta cần. Nó là kim chỉ nam cho việc tiếp cận các phương thức ngăn ngừa bệnh trong và sau đại dịch” – ông Tedros nhấn mạnh.
“Mục đích của giấy phép là tạo điều kiện thuận lợi cho toàn thế giới trong việc sản xuất và thương mại hóa nhanh chóng công nghệ xét nghiệm kháng thể COVID-19 của CSIC” – WHO cho biết trong một thông cáo báo chí.
Bộ xét nghiệm của CSIC đã cho thấy hiệu quả trong việc phát hiện kháng thể của virus SARS-CoV-2, vốn xuất hiện ở những người mắc COVID-19 hoặc đã tiêm vắc xin.
WHO cho biết thêm công nghệ này có thể được các quốc gia sử dụng để giúp phát hiện sự lây lan của virus COVID-19, ngay cả ở những vùng nông thôn, nơi chỉ có cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm cơ bản.
Theo thống kê của WHO, đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm hơn 256 triệu người trên toàn cầu, trong đó có hơn 5,1 triệu trường hợp tử vong. Trên thế giới, cho đến nay có hơn 7,4 tỉ liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm.
Nguồn: tuoitre.vn