Thế giới ghi nhận khoảng 410.000 ca nhiễm mới và hơn 8.500 trưởng hợp tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua.
Theo cập nhật lúc 6h sáng 17/3 của hãng thống kê toàn cầu Worldometers, đại dịch thế kỷ tiếp tục hiện diện ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiễm mầm bệnh cho trên 121 triệu người và cướp đi sinh mạng của gần 2,7 triệu bệnh nhân. Số ca hồi phục đạt gần 98 triệu.
Brazil đã vượt Mỹ về số ca nhiễm và tử vong trong 24 giờ qua, ghi nhận thêm gần 69.000 trường hợp dương tính và hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 qua đời. Như vậy, đến nay, nước này có tổng cộng khoảng 11,6 triệu ca nhiễm và 281.600 ca tử vong.
Ảnh |
Trong bối cảnh dịch bệnh vượt tầm kiểm soát, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã bổ nhiệm Tiến sĩ Marcelo Queiroga, Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch quốc gia, làm Bộ trưởng Y tế, thay thế ông Eduardo Pazuello mới giữ chức vụ này chưa đầy một năm.
Theo Tổng thống Bolsonaro, tân Bộ trưởng Y tế sẽ “chọn đội ngũ làm việc của mình” và một quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra “trong một hoặc hai tuần”.
Moderna thử nghiệm vắc-xin ở trẻ nhỏ
Hãng dược Mỹ Moderna thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa Covid-19 với trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi. Dự kiến, sẽ có 6.750 tình nguyện viên tham gia.
“Chúng tôi vui mừng bắt đầu nghiên cứu giai đoạn 2 và 3 của vắc-xin mRNA-1273 ở trẻ em tại Mỹ và Canada”, Giám đốc điều hành của Moderna, Stephane Bancel, nói. “Nghiên cứu nhi khoa sẽ giúp chúng ta đánh giá mức độ an toàn và khả năng kháng thể của vắc-xin ngừa Covid-19 ở lứa tuổi nhỏ rất quan trọng này”.
Cơ quan y tế Mỹ ghi nhận tỷ lệ trẻ bị ốm do nhiễm Covid-19 thấp hơn nhiều so với người trưởng thành. Tuy vậy, các em vẫn là đối tượng bị ảnh hưởng và làm lây truyền virus SARS-CoV-2, vì hầu hết chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng dù đã dương tính.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 đại trà. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ngày 16/3, thông báo gần 111 triệu liều vắc-xin đã được tiêm tại nước này, đạt 22% dân số (tương đương 72 triệu người) đã nhận ít nhất 1 mũi tiêm, và gần 12% dân số (khoảng 39 triệu người) được tiêm đủ 2 mũi.
Đến nay, Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp các vắc-xin của Pfizer/BioNTech, Moderna, và Johnson & Johnson.
Campuchia cấm dân qua biên giới
Trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19 lây lan, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quốc gia Campuchia, tướng Neth Savoeun, đã chỉ đạo các đơn vị chức năng dọc biên giới cấm người dân ra nước ngoài. Theo đó, lực lượng cảnh sát nhận nhiệm vụ phối hợp với chính quyền các tỉnh giáp Thái Lan đóng toàn bộ các cửa khẩu, không cho người Campuchia đi qua biên giới.
Tướng Savoeun cũng yêu cầu chính quyền các địa phương phải tiếp nhận lao động di cư về nước, và đưa họ tới các trung tâm cách ly. Người nước ngoài vào Campuchia trái phép sẽ bị gửi trả lại qua chốt kiểm tra mà họ đã lọt qua.
Ngày 16/3, Campuchia lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới ở mức 3 con số. Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 105 trường hợp dương tính trong ngày, tất cả đều liên quan sự cố cộng đồng 20/2.
WHO nêu quan điểm về hộ chiếu vắc-xin điện tử
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng “hộ chiếu vắc-xin điện tử” có thể là công cụ rất hữu ích nhưng cảnh báo về việc sử dụng loại chứng nhận này, đặc biệt đối với các chuyến bay quốc tế.
Tại một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói rằng việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng điện tử trên các chuyến bay quốc tế có thể không công bằng, bởi việc tiêm ngừa Covid-19 chưa được thực hiện rộng rãi và phân phối đồng đều trên toàn cầu.
Theo trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO Soumya Swaminathan, tổ chức này đang phối hợp với các đối tác để phát triển chứng nhận tiêm chủng điện tử. “Trong vài tuần và vài tháng tới, chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia thành viên để thảo luận cách thức triển khai”, bà nói.
Ngoài lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân, nhiều chuyên gia cảnh báo “hộ chiếu vắc-xin điện tử” có thể gây ra tình trạng đặc quyền, kỳ thị và bất bình đẳng giữa những người đã được và chưa được tiêm ngừa Covid-19.
Hiện nay, một số quốc gia, trong đó có Anh và Mỹ, đang xem xét sử dụng chứng nhận tiêm chủng điện tử, trong khi Liên minh châu Âu công bố kế hoạch cấp “giấy thông hành xanh”.
Nguồn: vietnamnet