Nhà khoa học hàng đầu tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, biến thể Delta của virus corona chủng mới, phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đang trên đà trở thành thủ phạm gây nhiều ca mắc Covid-19 nhất trên toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 18/6, khoa học gia trưởng của WHO Soumya Swaminathan cho hay, biến thể Delta đang dần thống trị thế giới vì khả năng lây lan tăng.

WHO cảnh báo về biến thể Delta, ca mắc Covid-19 ở Indonesia tăng vọt

Theo Reuters, WHO hiện phân loại biến thể Delta ở mức “đáng lo ngại” khi ngày càng nhiều quốc gia ghi nhận làn sóng lây nhiễm mới có liên quan đến biến thể này.

Anh đã báo cáo về tình trạng tăng mạnh số ca mắc biến thể Delta. Tại Nga, số ca Covid-19 tăng vọt tại thủ đô Moscow, chủ yếu vì mắc biến thể Delta đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ ba. Trong khi, các quan chức y tế hàng đầu của Đức dự đoán, biến thể sẽ trở thành mầm bệnh thống trị tại nước này bất chấp tỷ lệ chủng ngừa gia tăng.

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 18/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng báo động về biến thể Delta “dễ lây lan hơn, có thể gây tử vong cao hơn và đặc biệt nguy hiểm với những người trẻ tuổi”. Lãnh đạo Nhà Trắng một lần nữa kêu gọi người dân Mỹ đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 càng nhanh càng tốt.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery lên tiếng kêu gọi các chính phủ tái cân nhắc việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch cũng như cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng nới lỏng nếu số ca mắc biến thể Delta không ngừng leo thang.

Indonesia điêu đứng vì dịch

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Indonesia khi nước này chứng kiến số ca nhiễm mới tăng hơn gấp 3 trong vài tuần trở lại đây.

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 12.990 ca mắc, cao nhất châu Á và cũng là kỷ lục đối với nước này kể từ tháng 2, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên gần 2 triệu người. Indonesia hiện là “ổ dịch” lớn nhất Đông Nam Á với 54.043 trường hợp tử vong tính đến sáng 19/6, tăng 290 trường hợp so với một ngày trước đó.

Để đối phó, nhà chức trách địa phương hôm 18/6 đã quyết định hoãn hai ngày lễ quốc gia và hủy một ngày nghỉ nhằm hạn chế người dân di chuyển. Cụ thể, ngày Năm mới Hồi giáo được lùi sang 11/8, trong khi kỳ nghỉ lễ quốc gia nhân ngày sinh của nhà tiên tri Mohamah được dời sang 20/10. Riêng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 24/12 năm nay bị hủy bỏ.

Cùng ngày 18/6, nhiều địa phương trên đảo Java đã áp lệnh phong tỏa vì số ca bệnh tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo đang gây quá tải cho các bệnh viện.

Theo hãng tin Al Jazeera, các quan chức y tế Indonesia đổ lỗi cho biến thể Delta khiến dịch bùng phát mạnh trở lại ở nước này. Song, giáo sư Gusti Ngurah Mahardika thuộc Đại học Udayana, chuyên gia virus học cấp cao nhất ở Bali cho rằng, việc chính quyền buông lỏng công tác phòng chống virus trong khi người dân lơ là, không tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách và hướng dẫn y tế đã góp phần khiến dịch diễn tiến xấu đi.

Palestine hủy thỏa thuận nhận vắc xin gần hết hạn từ Israel

Bộ trưởng Y tế Palestine Mai Alkaila hôm 18/6 thông báo, chính phủ nước này đã quyết định hủy thỏa thuận chia sẻ vắc xin ngừa Covid-19 đạt được trước đó trong ngày với Israel. Theo thỏa thuận ban đầu, chính phủ Do Thái sẽ chuyển tới 1,4 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech sắp hết hạn cho Palestine và sẽ nhận lại số liều vắc xin tương đương từ nước láng giềng vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, bà Alkaila cho biết, phía Palestine phải hủy thỏa thuận vì lô vắc xin chuyển giao đầu tiên, gồm 90.000 liều có ngày hết hạn sớm hơn so với thỏa thuận.

“Họ nói với chúng tôi ngày hết hạn là trong tháng 7 hoặc tháng 8. Song, ngày hết hạn thực tế là trong tháng 6, không đủ thời gian để sử dụng, nên chúng tôi không chấp nhận”, bà Alkaila giải thích. Bộ trưởng Y tế Palestine nói thêm, nước này đã gửi trả ngay lập tức số vắc xin nói trên cho Israel.

Theo Reuters, Văn phòng Thủ tướng Israel chưa hồi đáp yêu cầu bình luận về sự việc. Chính phủ Do Thái đang đối mặt nhiều chỉ trích vì dù là một trong những nước có chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới nhưng Israel không làm gì nhiều để đảm bảo người Palestine ở Bờ Tây và dải Gaza, vùng lãnh họ chiếm đóng sau cuộc chiến năm 1967, được tiếp cận vắc xin ngừa SARS-CoV-2.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

– Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 19/6 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 178,6 triệu người, xấp xỉ 3,9 triệu ca tử vong. Song, hơn 163 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

– Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 34,4 triệu ca mắc và 616.884 bệnh nhân không qua khỏi. Song, tình hình dịch tại xứ sở cờ hoa có nhiều tiến triển tích cực khi số ca mắc mới giảm mạnh so với mức kỷ lục hơn 300.000 ca/ngày hôm 8/1. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 11.522 ca nhiễm mới và 353 trường hợp tử vong.

– Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 18/6 kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) phối hợp chính sách tái mở cửa biên giới và phòng chống các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

– Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố, nước này sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời từ ngày 26/6. Ông Sanchez nói, đây là quyết định rất quan trọng xét về quan điểm xã hội, khi người dân bắt đầu được trở lại cuộc sống bình thường.

– Theo Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, nước này sẽ bắt đầu giai đoạn 3 của kế hoạch mở cửa trở lại toàn xã hội kể từ ngày 20/6. Các quán bar và nhà hàng sẽ không còn phải đóng cửa vào nửa đêm. Mỗi hộ gia đình sẽ được tiếp đón 20 khách đến nhà, gấp đôi mức hiện tại. Các địa điểm tổ chức thi đấu thể thao sẽ được mở cửa đón nhiều khán giả tới xem hơn.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Biến Thể Deltaindonesiavắc xin covid-19virus CoronaWHO

Các tin liên quan đến bài viết