Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 1,5 triệu ca nhiễm và gần 6.700 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Tính tới 6h sáng nay (30/12), theo trang thống kê Worldometers, đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 284,8 triệu người nhiễm virus và hơn 5,4 triệu người tử vong. Tổng số người khỏi bệnh đạt 252,3 triệu.
Mỹ là nước bị Covid-19 tấn công mạnh nhất, ghi nhận thêm khoảng 438.000 ca nhiễm mới và 1.580 ca tử vong mới trong ngày qua. Đến nay, nước này đã có hơn 54,6 triệu ca nhiễm và 844.000 ca tử vong.
Đứng sau Mỹ về số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua lần lượt là Pháp (208.000), Anh (183.000), Tây Ban Nha (100.000) và Italia (98.000). Về số ca tử vong mới, đứng sau Mỹ là Nga (932), Ba Lan (794), Đức (381) và Ukriana (307).
Người dân xếp hàng tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây. |
WHO cảnh báo ‘sóng thần’ Covid-19
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 29/12, cảnh báo “một cơn sóng thần” Covid-19 sắp ập đến, khi hai biến thể Omicron và Delta cùng lan nhanh, khiến số ca nhiễm mới cao kỷ lục ở nhiều nước, kéo theo số bệnh nhân phải nhập viện và tử vong tăng.
Ông kêu gọi các quốc gia phân phối vắc xin đồng đều hơn và cho rằng, quá chú trọng tiêm mũi tăng cường tại các nước phát triển có thể khiến nguồn cung vắc xin cho các nước nghèo bị bó hẹp. WHO đang thực hiện chiến dịch vận động để tất cả các quốc gia đạt mục tiêu chủng ngừa Covid-19 cho 70% dân số vào giữa năm 2022.
Trung Quốc lập vùng đệm chống dịch
Các nhà chức trách Trung Quốc sẽ cho lập vùng đệm tại các thành phố dọc biên giới, nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan và đảm bảo hoạt động kinh tế diễn ra bình thường.
Theo Liang Wannian, người đứng đầu nhóm chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc về phòng chống Covid-19, nhịp sống tại các vùng đệm vẫn diễn ra bình thường dù các chốt gác được thiết lập và người dân không được phép vượt ranh giới trừ khi thực sự cần thiết. Nếu phát hiện ca nhiễm, các biện pháp như sàng lọc và truy vết sẽ được triển khai ở từng địa điểm cụ thể.
Biện pháp trên được thực thi khi Trung Quốc liên tục phải đối phó với các ổ dịch. Một trong những điểm nóng dịch bệnh hiện nay là thành phố Tây An. Theo các nhà chức trách, nguồn lây từ một người nhập cảnh qua đường hàng không từ Pakistan đã lan ra 6 thành phố thuộc 5 tỉnh, với tổng số 152 ca nhiễm được ghi nhận trong ngày 28/12.
Hồi đầu tháng, Ủy ban Y tế Trung Quốc đã yêu cầu các địa phương có giao thương biên giới thành lập các vùng đệm. Đối với các trung tâm vận chuyển hàng không, nhà chức trách khuyến cáo tăng cường giám sát, sàng lọc tại sân bay, siết chặt quy trình vệ sinh ở những khu vực thuộc chuỗi sản xuất và lưu kho lạnh.
Hàn Quốc chế thành công phương pháp xét nghiệm nhanh Omicron
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum thông báo nước này đã phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nhanh biến thể Omicron và sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng từ ngày 30/12. Theo ông, cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh là ngăn chặn tối đa sự lây lan của Omicron thông qua các biện pháp phòng dịch và đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin.
Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc tăng liên tục trong 8 tuần vừa qua và bắt đầu có xu hướng giảm, kéo theo công suất sử dụng giường bệnh bớt đi và không còn tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi. Tuy nhiên, Thủ tướng Kim khuyến cáo người dân không nên chủ quan với biến thể mới nếu chỉ dựa vào tỷ lệ bệnh chuyển nặng ở mức thấp. Ông nhấn mạnh, nếu số ca nhiễm mới tăng gấp đôi, hệ thống y tế sẽ chịu sức ép lớn.
Israel nới lỏng hạn chế
Dù số người nhiễm Covid-19 ở mức kỷ lục 3.000 ca/ngày trong 2 ngày qua và tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính tăng cao, song Israel vẫn quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Nước này đã đưa hầu hết các nước ra khỏi danh sách “đỏ”, cho phép công dân của mình trở về từ những quốc gia này có thể tự cách ly tại nhà.
Các nhà chức trách cũng nhất trí điều chỉnh quy định phòng chống biến thể Omicron tại trường học. Theo đó, học sinh tiểu học tại các địa phương “đỏ” sẽ không phải học trực tuyến trừ khi trong lớp phát hiện có ca nhiễm.
Kênh truyền hình địa phương Channel 12 dẫn lời một số chuyên gia ngành y tế nhận định, Israel đang đứng trước lựa chọn chuyển sang giai đoạn “cho phép lây nhiễm đại trà” nhằm tránh phải áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội và dần tiến tới miễn dịch cộng đồng.
Nguồn: vietnamnet