Những khu chợ rất lớn ở TP.HCM bị phong tỏa. Hàng loạt thông báo tìm người đến chợ, cây xăng được phát ra. Cả trăm nghìn người xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm. TP.HCM những ngày cuối đợt giãn cách vẫn rất bộn bề.
Số ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM tối 23/6 ghi nhận 152 trường hợp trong 24h qua. Nâng tổng số ca nhiễm của TP ở đợt dịch thứ 4 này lên 2.072 ca, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Từ 7 ngày lại đây, TP liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mỗi ngày đều tăng rất mạnh. Đỉnh điểm ngày 21/6 lên đến 166 ca. Đáng nói, trong những ca nhiễm đó có hàng chục ca chưa rõ nguồn lây.
Hôm nay (24/6) đã bước sang ngày giãn cách thứ 25 ở thành phố hơn 10 triệu dân này, nhưng diễn biến dịch vẫn vô cùng phức tạp.
Các địa phương liên tục phát thông báo về việc phong tỏa nơi này, tìm người đến nơi kia, đã từng qua chỗ nọ cần phải đi khai báo y tế và theo dõi sức khỏe.
Đáng chú ý, tối 23/6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát đi thông báo khẩn tìm người đến 3 khu chợ là: chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Bình Điền (giáp danh giữa quận Bình Tân và quận 8) và chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú). Đây là những chợ đầu mối với số người vào ra hàng chục nghìn người mỗi ngày.
Theo HCDC, các ca bệnh Covid-19 được phát hiện tại một số khu chợ đầu mối này và có thể lây giữa các chợ do tiểu thương đến lấy hàng và di chuyển về nơi buôn bán.
Đồng thời, HCDC cũng đề nghị những tiểu thương tại chợ, người từng đến chợ Khu phố 2, phường An Lạc (quận Bình Tân) từ ngày 1/6 đến nay phải thực hiện khai báo ngay tại y tế địa phương.
Hiện quận Tân Phú đã phong tỏa chợ Sơn Kỳ và ngày 23/6, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho hàng trăm tiểu thương và cả loạt người dân xung quanh chợ cũng như những khu vực liên quan.
Tiểu thương chợ Sơn Kỳ, quận Tân Phú chờ lấy mẫu xét nghiệm sáng 23/6. |
Trước đó 1 ngày, Trạm y tế phường 4 (quận 8) cũng phát đi thông báo tìm người từng tới sạp bán cá, thịt bên trong chợ Phạm Thế Hiển vào 8-9h và khoảng thời gian rất dài, từ ngày 1-20/6.
Cũng trong ngày 23/6, ngành chức năng tìm người từng đến cây xăng ngã 7 Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ (quận 10) từ ngày 8-21/6; phường 2, quận Phú Nhuận tìm người từng đến nhà thuốc Trung Nguyên tại 372 Phan Xích Long từ 6h30 đến 16h ngày 21/6.
Phường Tân Thành, quận Tân Phú tìm người đến nhà thuốc Tây Thiên Hồng ở số 29/2 đường Độc Lập vào khoảng 9- 20h từ 16-18/6; quán cháo Việt Soup, ở số 57A Nguyễn Hậu vào 10h30 và 16h30 trong hai ngày 17 và 18/6…
TP.HCM đang trải qua những ngày rất khó khăn trong cuộc chiến chống dịch khi ca nhiễm Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm và nhiều ca mới xuất hiện rất… bất thình lình.
Đơn cử ngày 22/6, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (Quận 1) phải tạm ngưng hoạt động khám bệnh ngoại trú khi phát hiện 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sau khám sàng lọc tại đây.
Số ca mắc Covid-19 đã vượt con số 2.000. Ảnh lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm |
Cả 5 trường hợp này đều được phát hiện chủ động và kích hoạt theo quy trình. Trong đó, chỉ một người chủ động khai có yếu tố dịch tễ, 4 trường hợp còn lại khai trong 2-3 tuần gần đây không tiếp xúc người có nguy cơ, người đến từ vùng dịch.
Từ 20/6, TP đã thay đổi biện pháp chống dịch bằng Chỉ thị 10, để siết chặt phòng, chống dịch và thực nghiêm hơn việc giãn cách xã hội, nhưng việc khống chế dịch đến nay vẫn còn rất bộn bề.
HCDC từng lưu ý, khi có nhiều ca mắc mới không rõ nguồn lây mỗi ngày, những người ta tiếp xúc hằng ngày đều có thể là F0 hoặc chính chúng ta là F0 lây nhiễm cho người khác.
Tổng lực lấy mẫu xét nghiệm diện rộng
Trong các ngày từ 20-23/6, TP triển khai chiến dịch xét nghiệm tầm soát mở rộng lớn nhất từ trước tới nay tại quận Bình Tân.
Đây là một trong hai quận có diện tích lớn nhất và cũng là quận đông dân nhất TP với 780.000 người. Với số ca bệnh tăng dồn dập thời gian qua, quận được xác định như ổ dịch thứ hai của TP sau Gò Vấp.
Người dân phường An Lạc xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm. |
Tuy nhiên, số ca nhiễm tại Bình Tân lại vượt xa Gò Vấp với hơn 200 ca, trở thành nơi nhiều ca mắc nhất trong số 22 địa phương tại TP.
Qua đánh giá nguy cơ, cập nhật đến hết ngày 21/6, chuỗi liên quan chung cư Ehome 3 là chuỗi có số ca nhiễm cao thứ hai (196 ca), chỉ đứng sau chuỗi liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng (587 ca).
Bên cạnh đó, chuỗi lây nhiễm liên quan chợ Khu phố 2, phường An Lạc (43 ca nhiễm) cũng được coi là một trong những điểm nóng, buộc TP phải lệnh phong tỏa khẩn cấp liền 3 khu phố (2, 3, 4) của phường này từ 20/6.
Tính đến hết ngày 22/6, TP đã lấy được trên 470.000 mẫu tại đây.
Nhìn nhận về tình hình dịch tại TP.HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ cho biết trên Zing, đây là thời gian ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao chưa từng thấy từ khi dịch bùng phát ở TP.
Theo bác sĩ Khanh, hiện tại, tình hình dịch của TP này vẫn căng thẳng và bức tranh dịch tễ chồng chéo, phức tạp. Nhất là khi ngoài cộng đồng vẫn còn nhiều ca nhiễm cần điều tra nguồn lây, thì không thể nào yên tâm.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm tại quận Bình Tân. |
Bác sĩ Khanh cho rằng trong giai đoạn này, các khâu tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và tuân thủ quy định giãn cách đã nảy sinh nhiều bất cập.
Đây cũng là vấn đề lo lắng của nhiều người khi thấy cảnh đông đúc, xếp hàng sát nhau chờ lấy mẫu xét nghiệm; chưa kể nhiều chỗ còn xảy ra lộn xộn.
Về vấn đề này, theo chuyên gia, giải pháp là lấy mẫu cơ động theo từng cụm, hộ gia đình hoặc đại diện một người di chuyển nhiều nhất trong gia đình. Nếu có điều kiện, người dân có thể tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.
“Lấy mẫu tập trung mà không có ý thức giãn cách, không có người điều hành, sẽ càng tăng thêm nguy cơ lây nhiễm”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Khanh, giải pháp để kiểm soát tình trạng này là thần tốc xét nghiệm và trả kết quả cho F1. Khi F1 có xét nghiệm lần một âm tính với SARS-CoV-2, ngay lập tức giải tỏa F2.
Bác sĩ Khanh cũng nhìn nhận, hiện ý thức hợp tác của người dân chưa thật sự tốt. Minh chứng là việc lây nhiễm chéo của nhiều trường hợp là đồng nghiệp, bạn bè, nhất là hàng xóm trong các cụm dịch. Lực lượng chức năng cần có biện pháp răn đe, chế tài nghiêm với trường hợp vi phạm.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 19/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long định hướng, việc nâng cao năng lực xét nghiệm là một trong những giải pháp chiến lược để TP có thể nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch bệnh.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ hỗ trợ TP.HCM cũng nhấn mạnh, việc khống chế dịch chỉ thực hiện được khi TP thực hiện đồng bộ các giải pháp giãn cách xã hội nghiêm túc, cạnh các chiến thuật về khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm phù hợp.
Trả lời báo chí, Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức cho biết, hầu hết các bệnh viện đều có đủ khả năng thực hiện xét nghiệm nCoV cho người dân. TP có thể đáp ứng được 500.000 mẫu xét nghiệm/ngày.
Đồng thời, ông Đức cũng thông tin, TP đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để đối phó, trong đó có kịch bản 5.000 người mắc bệnh.
Hiện TP vẫn đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 786.000 liều cho những nhóm đối tượng ưu tiên.
Tuy vậy, tối 23/6, Bộ Y tế có công văn hoả tốc yêu cầu TP.HCM đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Cụ thể, trong đợt 3 và 4, TP được phân bổ tổng cộng hơn 940.000 liều vắc xin, song đến nay theo báo cáo của dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, TP mới triển khai tiêm được hơn 50.000 liều (khoảng 69% số vắc xin được phân bổ đợt 3 và 6% số vắc xin được phân bổ của cả 2 đợt).
TP.HCM từng đặt mục tiêu hoàn thành chiến dịch tiêm chủng trong 7 ngày, xong trước ngày 27/6.
Mới nhất, TP vừa quyết định thành lập 2 tổ: Tổ công tác thực hiện mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19; Tổ công tác tổ chức cung ứng và tiêm vắc xin phòng Covid-19 do Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức làm tổ trưởng.
Nguồn: vietnamnet