Ngày 30-7-2013, tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đã thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI. Tại Khoản 1, Điều 16 của điều lệ có quy định về điều kiện thành lập công đoàn cơ sở như sau: Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, được thành lập ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có ít nhất 5 đoàn viên công đoàn hoặc 5 người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam. Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động khi có ít nhất 10 đoàn viên công đoàn hoặc 10 người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp được thành lập công đoàn cơ sở nếu có ít nhất 5 đoàn viên công đoàn hay 5 người lao động trở lên có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn mà không phân biệt là doanh nghiệp tư nhân hay loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, ngày 4-3-2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Theo đó, tại Điểm a, Khoản 12.1, Mục 12 trong hướng dẫn này có quy định như sau: Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; các hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; cơ quan xã, phường, thị trấn; các cơ quan nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có hạch toán độc lập; các chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng lao động là người Việt Nam được thành lập công đoàn cơ sở khi có đủ 2 điều kiện: Có ít nhất 5 đoàn viên công đoàn hoặc 5 người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam. Có tư cách pháp nhân.
Lãnh đạo Công đoàn các khu công nghiệp đọc quyết định thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Asathio Chemical, Khu công nghiệp Minh Hưng III (Chơn Thành) – Ảnh: S.H
Thế nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 183 Luật Doanh nghiệp có quy định như sau: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.Vì theo quy định tại Khoản 1, Điều 74 trong Bộ luật Dân sự 2015 thì một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập theo quy định của bộ luật này, luật khác có liên quan; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của bộ luật này; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Trong khi đó, Điều 83 Bộ luật Dân sự quy định về cơ cấu tổ chức của pháp nhân như sau: Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, doanh nghiệp tư nhân không có sự độc lập về tài sản giữa doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, tiêu chuẩn đầu tiên để xét tính độc lập về tài sản của một doanh nghiệp là tài sản của doanh nghiệp đó phải độc lập trong quan hệ với tài sản của chủ doanh nghiệp. Trong thực tế, doanh nghiệp tư nhân không thỏa mãn tiêu chuẩn quan trọng này, vì thế nó không thỏa mãn một trong các điều kiện cơ bản để có được tư cách pháp nhân.
Cũng theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, ở nước ta hiện nay có 2 loại pháp nhân. Thứ nhất là pháp nhân phi thương mại: Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của bộ luật này, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thứ hai là pháp nhân thương mại: Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Từ những viện dẫn về các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp tư nhân có được thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp của mình không? Nếu chiếu theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI thì doanh nghiệp tư nhân vẫn được thành lập công đoàn cơ sở, nếu có đủ 5 người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam. Còn theo Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ thì doanh nghiệp tư nhân vì không phải là pháp nhân nên không được phép thành lập công đoàn cơ sở. Như vậy, giữa Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI và Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã và đang tồn tại sự khác biệt cần sớm được khắc phục.
Nguồn Báo Bình Phước