Trong gian bếp chật chội với những chiếc xoong bám đầy nhọ nồi treo trên tường, “bếp trưởng” Lê Xuân Long, Phó trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 2, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi trên trán nói: Ở đây cuộc sống thiếu thốn, xa chợ, xa trung tâm, điện năng lượng mặt trời không đủ xài tủ lạnh… nên thực phẩm phải giữ trong thùng xốp. Điện thoại thì sử dụng mạng Metphone của Campuchia với giá cước cao, tháng nào dùng ít cũng gần 1 triệu đồng.
Cuộc sống công việc, khó khăn, thu nhập thấp, trong khi đi rừng các kiểm lâm viên phải liên lạc nhiều, có người phải thanh toán cước điện thoại từ 2-3 triệu đồng nên gần đây một số công chức kiểm lâm đã chuyển công tác khác.
THIẾU LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM
Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đang quản lý, bảo vệ 25.788,6 ha, trong đó đất có rừng 25.595,9 ha, chiếm 99,26%, còn lại đất chưa có rừng và đất khác. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của ban là bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tuyên truyền giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng; đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng phát triển vùng đệm phục vụ công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy khối lượng công việc nhiều nhưng ban chỉ có 3 phòng, 2 trung tâm và 1 hạt kiểm lâm cùng 15 đơn vị, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng với trên 300 lao động ở 3 xã vùng đệm là Quảng Trực (Tuy Đức – Đắk Nông) và Đắk Ơ, Bù Gia Mập (Bù Gia Mập).
Anh Lê Xuân Long, Phó trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 2 chuẩn bị bữa trưa cho anh em
Ông Lê Quang Hợi, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của ban cho biết: Diện tích rừng lớn, hệ thống giao thông trải dài, lại tiếp giáp tỉnh Đắk Nông và Vương quốc Campuchia. Theo quy định cứ 500 ha có 1 công chức kiểm lâm, tương đương với 52 người nhưng hiện vườn chỉ có 43 công chức. Do điều kiện làm việc khó khăn, lại thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, từ năm 2014 đến nay, đã có 5 người chuyển công tác nên số lượng công chức của ban chỉ còn 38 người, chủ yếu trung cấp. Nhân sự của đơn vị thiếu, để đảm bảo công việc, vườn đã ký hợp đồng với 13 lao động vào vị trí kiểm lâm.
Nhân lực thiếu nên công chức kiểm lâm chỉ được nghỉ phép về thăm gia đình, người thân 5-6 ngày/tháng vào mùa mưa và 4 ngày/tháng vào mùa khô. Trong khi quy định của Nhà nước là nghỉ 8 ngày/tháng. Anh Lê Xuân Long, Phó trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 2 cho biết: Anh em có nhà ở gần vườn thì 1 tháng về khoảng 4 ngày, còn tôi ở Quảng Bình nên thỉnh thoảng mới nghỉ phép về quê.
KHÓ KHĂN VỚI KIỂM LÂM HỢP ĐỒNG
“Năm 2008, tôi nhận khoán bảo vệ rừng. Nhờ làm tốt nên Ban quản lý vườn nhận tôi làm kiểm lâm hợp đồng từ năm 2014. Tôi được giao quản lý 42 người nhận khoán, chịu trách nhiệm bảo vệ 7 tiểu khu (4, 8, 16, 17, 19, 20 và 27) với gần 4.000 ha. Diện tích rộng, công việc nhiều nhưng tổng thu nhập chỉ được 4,8 triệu đồng/tháng nên cuộc sống của kiểm lâm hợp đồng gặp nhiều khó khăn. Làm công tác bảo vệ rừng phải đi tuần thường xuyên. Đối với diện tích đơn vị quản lý, sáng đi chiều về, mỗi ngày cũng phải đi bộ bình quân 20km; còn ở vùng lõi, đi tuần 4 lần/tháng, mỗi lần 3 đến 4 ngày, các đội tuần tra phải ăn ngủ trong rừng. Tuy nhiên, kiểm lâm hợp đồng lại bị hạn chế quyền hạn khi xử lý các vụ vi phạm bắt được trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng và không được trang bị vũ khí nóng như công chức kiểm lâm, khi bắt người vi phạm phải áp giải về trạm không được lập biên bản xử lý” – anh Điểu Chót, phụ trách chốt cộng đồng thôn 3, Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết.
Cũng là kiểm lâm hợp đồng, anh Điểu Đa, Phụ trách Trạm kiểm lâm số 3 cho biết: “Tôi làm kiểm lâm hợp đồng được 5 năm, tổng thu nhập hiện nay chưa tới 5 triệu đồng/tháng, ngày đầu mới vào 3,7 triệu đồng/tháng. Tôi quản lý 6 người nhận khoán, bảo vệ 2 tiểu khu với diện tích 1.800 ha. Đơn vị thường phối hợp với anh em cơ động, các trạm khác đi tuần. Khi làm nhiệm vụ, khó khăn lớn nhất là gặp phải lâm tặc vì họ chủ động chống đối trước, trong khi kiểm lâm hợp đồng không được phép lập biên bản vi phạm, còn dẫn về trạm thì không còn hiện trường, tang vật vi phạm. Trong khi mình không được trang bị vũ khí phục vụ công việc và bảo vệ bản thân giống như công chức kiểm lâm”.
MONG GẮN BÓ VỚI NGHỀ
Các kiểm lâm hợp đồng như anh Điểu Đa, Điểu Chót rất mong được gắn bó lâu dài với nghề, với rừng. “Tôi rất yêu rừng, yêu nghề nên mong muốn được đào tạo nâng cao nghiệp vụ, trở thành công chức kiểm lâm để có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và ổn định cuộc sống” – anh Điểu Đa chia sẻ.
“Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, Ban quản lý vườn đề nghị UBND tỉnh cho đơn vị thi tuyển bổ sung 5 công chức kiểm lâm và nâng cao trình độ cho kiểm lâm bằng cách cấp kinh phí đào tạo ngắn hạn do đào tạo hệ vừa học vừa làm rất tốn kém. Đồng thời, sớm giải quyết nhân sự cho 2 trung tâm: Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng; Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật (được thành lập theo 2 quyết định số 2913/QĐ/UBND và 2914/QĐ/UBND, ngày 14-11-2016 của UBND tỉnh) để sớm đi vào hoạt động” – ông Nguyễn Đại Phú, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập nói.
Nguồn Báo Bình Phước