Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh cần tăng cường quan hệ chính trị đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn nữa, hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược liên quan đến an ninh và phát triển của mỗi nước.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Lào đến Hà Nội sáng 28-6 để bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam hai ngày, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp ở hai nước.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho biết đây không chỉ là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của đồng chí Sisoulith sau thành công của Đại hội Đảng XI của Lào, mà còn là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Việt Nam trong năm nay sau thành công của Đại hội Đảng XIII của Việt Nam.
Sự kiện cột mốc
Báo Vientinane Times ngày 28-6 dẫn thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Lào cho biết chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của ông Sisoulith là một sự kiện cột mốc trong quan hệ giữa hai đảng, hai chính phủ và nhân dân hai nước.
Phía Lào nhấn mạnh chuyến thăm này là cơ hội tốt để hai bên thảo luận các lĩnh vực hợp tác chiến lược trong tương lai cũng như đóng góp quan trọng vào việc củng cố tình hữu nghị vĩ đại, sự đoàn kết đặc biệt và quan hệ toàn diện giữa hai đảng, hai chính phủ và hai nhà nước.
Ngay sau lễ tiếp đón trang trọng diễn ra tại Phủ Chủ tịch, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đến trụ sở Trung ương Đảng để hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, phục vụ cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước.
Theo TTXVN, tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, nhân tố bảo đảm sự tồn tại, phát triển của hai nước.
Lãnh đạo hai nước khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước cũng sẽ quyết tâm cùng nhau giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về cơ chế và thể chế nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau cùng phát triển vì sự phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh cần tăng cường quan hệ chính trị đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn nữa, hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược liên quan đến an ninh và phát triển của mỗi nước.
Tôi tin tưởng vững chắc chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, mở ra một trang mới trong quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng
Phối hợp phòng chống dịch
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí nỗ lực thúc đẩy tạo bước đột phá, nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước. Hai bên cũng thống nhất tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh, phối hợp chặt chẽ trong phòng chống dịch COVID-19.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi thông tin kịp thời, tham vấn, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau hiệu quả trong các vấn đề quốc tế và khu vực, các hoạt động tại diễn đàn đa phương, đặc biệt là phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, Liên Hiệp Quốc, các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong, và triển khai tích cực kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế Campuchia – Lào – Việt Nam đến năm 2030.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, cùng các bên liên quan thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Sau hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã chứng kiến lễ ký kết và trao nhiều văn kiện hợp tác, trong đó nổi bật là Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam – Lào giai đoạn 2021 – 2030, Hiệp định hợp tác Việt Nam – Lào giai đoạn 2021 – 2025, và một số hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và Lào.
Gặp lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Việt Nam
Trong ngày 28-6, ngoài hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào đã hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Theo báo Vientiane Times, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Thongloun cũng sẽ thăm các nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam gồm nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, gặp gỡ các cán bộ nhân viên tại Học viện Chính trị Hồ Chí Minh và Hội hữu nghị Việt – Lào.
Nguồn: tuoitre.vn