Đóng cửa nhà máy giết mổ thủ công để đưa vào giết mổ công nghiệp theo chủ trương của TP.HCM từ 31-3. Thế nhưng, nhiều nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp tại TP hoạt động được mấy ngày đã lo nguy cơ thua lỗ tiền tỉ.
Heo được giết mổ treo theo dây chuyền công nghiệp tại Nhà máy An Hạ vào khuya 1-4
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 2-4, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ (H.Củ Chi), cho biết chấp nhận bù lỗ khi lấy giá giết mổ công nghiệp bằng giá thủ công trước đó, là 40.000 đồng/con, thậm chí nếu giết mổ năng suất thì chỉ còn 30.000 đồng/con. Tuy nhiên, lượng heo giết mổ ngày thứ 2 (khuya ngày 1, rạng sáng 2-4) vẫn chỉ đạt 2.000 con (tương đương ngày đầu) – mức này chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế.
“Bù lỗ để kéo heo về nhưng vẫn không thể cạnh tranh lại với lò giết mổ thủ công ở các tỉnh, bởi giết mổ thủ công thường sẽ thoải mái hơn, ít chịu kiểm soát nên thương lái chuộng. Với mức giá và lượng heo giết mổ hiện nay, mỗi tháng công ty thua lỗ khoảng 2 tỉ đồng”, bà Thắm tính.
Theo bà Thắm, với tổng vốn đầu tư lên gần 700 tỉ đồng (đất, lãi vay, cơ sở vật chất…), công ty có thể “gồng” để bù lỗ trong khoảng 3 tháng, nhưng nếu kéo dài hơn chắc phải đóng cửa.
Với giá thành đầu tư và vận hành cao nhưng mức giá giết mổ công nghiệp hiện chỉ 40.000-45.000 đồng/con khiến các doanh nghiệp lỗ nặng
Tương tự, ông Tô Văn Liêm, giám đốc Nhà máy giết mổ gia súc của Công ty Thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn), cho biết công ty lấy giá giết mổ công nghiệp chỉ 45.000 đồng/con, bằng giá giết mổ thủ công.
Tuy vậy, 2 ngày qua (đêm 31, rạng sáng 1-4, và đêm 1 rạng sáng 2-4), lượng heo giết mổ cũng chỉ đạt 2.000 con/ngày, bằng phân nửa công suất.
“Giết mổ công nghiệp phải từ 75.000-80.000 đồng/con mới huề vốn, nhưng giờ lấy giá này nguy cơ thương lái không đem heo về. Với vốn đầu tư 217 tỉ đồng, tình hình này kéo dài sẽ khiến nhà máy thua lỗ nặng”, ông Liêm lo lắng.
Các doanh nghiệp cho rằng cơ hội cho nhà máy giết mổ công nghiệp “được sống” theo chủ trương của thành phố, thì TP.HCM phải sớm có giải pháp ngăn chặn thịt heo được giết mổ thủ công ở các tỉnh về, hoặc yêu cầu nguồn thịt này cũng phải được giết mổ công nghiệp.
“Nếu chúng ta nói không có quyền ngăn thịt heo được giết mổ thủ công từ các tỉnh thì cơ sở nào thành phố lại bắt lò giết mổ thủ công tại thành phố phải đóng cửa? Điều này không công bằng”, bà Thắm bức xúc.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, ông Đinh Minh Hiệp, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết giết mổ công nghiệp là chính sách đúng để cải thiện chất lượng thịt. Nhưng không vì thế mà khẳng định thịt được giết mổ thủ công không an toàn, bởi thành phố vẫn đang nhập thịt từ các tỉnh, và có kiểm soát. Tuy vậy, theo ông Hiệp, thành phố có thể xem xét đưa ra một quy chuẩn để nâng cao chất lượng thịt nhập vào.
“Hiện Việt Nam đưa ra tiêu chuẩn chất lượng TCVN 7046 cho mặt hàng thịt, nhưng chủ yếu chỉ khuyến khích thực hiện. Thời gian tới, thành phố có thể xem xét đưa tiêu chuẩn này thành tiêu chuẩn riêng, đồng nghĩa yêu cầu sản phẩm thịt nhập về phải đạt chất lượng hơn, đảm bảo các yếu tố về vi sinh…”, ông Hiệp nói.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp TP.HCM cho biết sẽ theo dõi sát hoạt động giết mổ công nghiệp để kiến nghị lên thành phố nhằm sớm tháo gỡ các khó khăn. Thành phố đưa ra mục tiêu 80-90% nguồn cung heo sẽ được giết mổ công nghiệp.
Lượng heo giết mổ công nghiệp tăng dần
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng heo giết mổ công nghiệp đêm 1 và rạng sáng 2-4 tại 5 nhà máy đạt 5.760 con, tăng 130 con so với ngày trước đó, và chỉ giảm nhẹ so với giai đoạn còn giết mổ thủ công (trước 1-4). Riêng huyện Cần Giờ được tiếp tục giết mổ thủ công để phục vụ nhu cầu tại chỗ…
Với nhu cầu 10.000-11.000 con heo/ngày, ngành nông nghiệp cho biết lượng giết mổ tại thành phố, thêm lượng thịt từ các địa phương và thịt đông lạnh nhập khẩu, nguồn cung heo cho thành phố hiện vẫn đảm bảo.
Nguồn: tuoitre.vn