Sau khi bị Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án từ 26-30 năm tù về tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước, ông Lê Tấn Hùng cho rằng chỉ thực hiện theo hướng dẫn của cấp trên và ông không tham ô tiền nhà nước.

Vụ xử SAGRI: Ông Lê Tấn Hùng bật khóc nói về nỗi oan tham ô - Ảnh 1.

Ông Lê Tấn Hùng 

Sáng 13-12, Viện KSND TP.HCM đã luận tội và đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt ông Lê Tấn Hùng – tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), từ 14-16 năm tù về tội tham ô tài sản, từ 12-14 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, tổng hợp hình phạt đề nghị là 26-30 năm tù.

Chỉ thực hiện theo hướng dẫn của cấp trên

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Lê Tấn Hùng nói rằng khi ông nhận nhiệm vụ tại SAGRI thì đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu, lực lượng lao động khó khăn, vốn thiếu trầm trọng, thậm chí không đủ tiền mua thức ăn cho heo.

Từ khi ông về nhận nhiệm vụ, có các đoàn thanh tra, kiểm toán để giám sát việc của tổng công ty. Trong năm 2016 ông kiến nghị với UBND TP thanh tra tổng công ty để phát triển công ty toàn diện nên không có chuyện ông cố ý làm sai trái để chiếm hưởng.

“Viện kiểm sát luận tội đưa ra việc tôi làm thất thoát tài sản nhà nước là quá lớn, tôi không tưởng tượng được, tôi làm đúng tinh thần của cấp trên và các vấn đề chỉ đạo của thành phố. Dự án này tôi hoàn toàn không hiểu, không nắm, tôi chỉ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền và quyết định của TP” – ông Hùng trình bày.

“Tôi không thể nào đánh đổi gia đình với sai phạm này”

Về hành vi tham ô tài sản, ông Lê Tấn Hùng khẳng định không tham ô tài sản của Nhà nước.

“Chúng tôi không có chuyện chia lợi, hưởng lợi cho hành vi tham ô. Mong hội đồng xét xử hiểu và thông cảm cho tôi.

Thực tế khi về nhận nhiệm vụ của chính quyền, bản thân tôi được bầu làm bí thư Đảng bộ, luôn cùng Đảng ủy, đảng viên động viên nhau vượt qua khó khăn, cố gắng nỗ lực thực hiện tốt chỉ tiêu của thành phố giao, phải thực hiện được các chỉ tiêu.

Lúc này tôi rất ân hận. Tôi chỉ nhận thức là tôi thực hiện việc này vì hiệu quả của năm đó tốt, tôi chỉ muốn người lao động được hưởng thành quả này.

Trong hoạt động của tổng công ty từ năm 2015 đến 2016, bản thân tôi nỗ lực hết sức để tìm kiếm quan hệ doanh nghiệp nước ngoài để vượt qua các chương trình sản xuất của tổng công ty về chuyên gia và kỹ thuật. Tôi không thể nào đánh đổi gia đình với sai phạm này. Đề nghị hội đồng xét xử xem xét cho tôi” – ông Hùng bật khóc khi tự bào chữa.

Luật sư Trần Văn Tạo (bào chữa cho ông Lê Tấn Hùng) cho rằng SAGRI bị bắt buộc phải chuyển nhượng dự án do SAGRI không được kinh doanh bất động sản. Sau đó, SAGRI hỏi Bộ Tài chính xem phải thực hiện như thế nào.

Cáo trạng nói SAGRI chuyển nhượng dự án là sai so với điều 27, nghị định 91 tức chuyển nhượng phải thực hiện đấu giá thẩm định giá. Tuy nhiên, nghị định 91 sau đó đã được điều chỉnh thêm trường hợp doanh nghiệp là chủ đầu tư đang triển khai thực hiện dự án thì phải thực hiện theo Luật kinh doanh bất động sản.

Để xem xét việc chuyển nhượng này có đúng pháp luật không, thì các hướng dẫn đều nói theo quy định tại điều 48, 49 của Luật kinh doanh bất động sản.

Khi SAGRI có văn bản hỏi Bộ Tài chính thì Bộ Tài chính trả lời doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ luật quản lý vốn, luật doanh nghiệp. Còn nói rõ đây là dự án dở dang chưa hình thành tài sản.

Theo luật sư Tạo, nếu căn cứ điều 48, 49 Luật kinh doanh bất động sản thì ông Hùng không có sai phạm, vì không cần thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Lê Tấn HùngSagriTrần Trọng TuấnTrần Vĩnh Tuyến

Các tin liên quan đến bài viết