Thực tế qua các vụ tham nhũng, tiêu cực, trong đó có vụ Việt Á cho thấy, những sai phạm chủ yếu xuất phát từ lòng tham, không phải từ sự nghèo khó và nhiều cán bộ có điều kiện sống rất tốt nhưng vẫn tham nhũng.

Đó là khẳng định của Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (ĐBQH đoàn Điện Biên) khi trả lời phỏng vấn VietNamNet về  việc xử lý cán bộ sai phạm liên quan đến vụ Việt Á và nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực gần đây.

Những “viên đạn bọc đường” còn nguy hiểm hơn đạn đồng, đạn thép

Thời gian qua, khá nhiều vụ việc từ sai phạm của doanh nghiệp sau đó lộ ra nhiều cán bộ nhà nước liên quan và bị đưa ra xử lý kỷ luật, thậm chí là khởi tố hình sự. Rõ nhất là vụ án Việt Á đang được dư luận quan tâm. Là ĐBQH, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của Quốc hội, bà đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Đảng ta luôn xác định vai trò quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ “phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (ĐBQH đoàn Điện Biên)

Những năm gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành hàng loạt các quy định mang tính đồng bộ về công tác cán bộ, trong đó chú trọng vào việc nêu gương của cán bộ Đảng viên.

Quy trình về công tác cán bộ từ tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đã được ban hành đầy đủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch và dân chủ, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ.

Tuy nhiên, có một số cá nhân sau khi được giao những nhiệm vụ, công tác quan trọng hoặc được đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo lại không tránh được những cám dỗ quyền lực, lợi ích vật chất dẫn đến sự tha hóa biến chất, xuống cấp về đạo đức, sa sút về ý thức chính trị, quên đi trách nhiệm trước nhân dân, coi thường pháp luật, bất chấp những quy định của Đảng và Nhà nước.

Những vụ việc từ sai phạm của doanh nghiệp sau đó lộ ra nhiều cán bộ nhà nước liên quan và bị đưa ra xử lý kỷ luật, thậm chí là khởi tố hình sự như vụ Việt Á là những sự việc rất đáng tiếc.

Theo bà, nguyên nhân của những sự việc rất đáng tiếc này là gì, nhất là vụ Việt Á vừa qua lộ ra hàng loạt cán bộ từ địa phương đến Trung ương đều “nhúng chàm”? 

Nguyên nhân dẫn đến vi phạm của cán bộ là do họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến sa ngã, sai phạm. Việc này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ trong thông báo sau mỗi kỳ họp gần đây.

Phải khẳng định là khi họ được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì đều đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn và yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, nếu người cán bộ không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, không vượt qua được cám dỗ dễ dẫn đến sai phạm.

Mặt khác, cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ đã không kịp thời phát hiện biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ. Đây là một trong những vi phạm điển hình được nhắc đến trong các quyết định thi hành kỷ luật cán bộ.

Nhất là trong nền kinh tế thị trường hiện nay, những “viên đạn bọc đường” còn nguy hiểm hơn nhiều những viên đạn đồng, đạn thép của thực dân, đế quốc trước đây.

Việc xử lý kỷ luật cán bộ liên quan đến vụ Việt Á và nhiều vụ án khác trong thời gian gần đây cho sự thấy quyết tâm cao của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ, công tác này đã được đẩy mạnh thực hiện, ngày càng quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có hạ cánh an toàn”, qua đó đạt được nhiều kết quả rõ rệt, được người dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên, không thể tránh khỏi một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất chưa bị phát hiện do che dấu tinh vi, vẫn đang tiếp tục “làm khó” người dân, doanh nghiệp mỗi khi phải tới làm việc với các cơ quan công quyền.

Loạt cán bộ nhúng chàm trong vụ Việt Á

Vụ Việt Á không phải là sai phạm của cả ngành y tế

Như một số đại biểu lo lắng, hiện ở đâu đó, đang có biểu hiện “sợ trách nhiệm”, “không dám làm gì” trong ngành y tế, trong có đó câu chuyện dừng các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại nhiều bệnh viện. Theo bà, cần nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này để đội ngũ cán bộ y tế an tâm làm việc, các hoạt động y tế diễn ra bình thường?

Như tôi đã từng nói, những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về y tế thời gian qua, điển hình là vụ Việt Á là sự việc rất đáng tiếc nhưng đây không phải là sai phạm của cả ngành y tế. Việc xử lý vi phạm tuân thủ nguyên tắc, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó, đúng người, đúng tội.

Nếu có biểu hiện “sợ trách nhiệm”, “không dám làm gì” trong ngành y tế, dừng các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại nhiều bệnh bệnh thì cần thiết phải khắc phục ngay để đảm bảo quyền lợi, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nếu biểu hiện sợ trách nhiệm này xuất phát từ những vướng mắc trong hệ thống pháp luật, ngành y tế cần phải đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Quan trọng là chính bản thân ngành y tế phải rất nỗ lực, vượt qua những khó khăn của ngành trong giai đoạn hiện nay để kịp thời nắm bắt được tình hình, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật đã lỗi thời đang kìm hãm sự phát triển của ngành để đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Còn nếu do chủ quan của người triển khai, thực hiện, muốn né tránh trách nhiệm thì đây chính là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng.

Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định, nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ là thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Mặt khác, trốn tránh trách nhiệm là một trong những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ. Do đó, nếu cán bộ, công chức có biểu hiện né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm cần phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Các vụ tham nhũng, tiêu cực chủ yếu xuất phát từ lòng tham

Bà suy nghĩ như thế nào khi có ý kiến cho rằng thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp đã và đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức?

Cá nhân tôi không hoàn toàn đồng tình với nhận định trên. Việc một cá nhân được tuyển chọn, bổ nhiệm vào làm cán bộ, công chức trước tiên là sự tự nguyện, và khi đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định mới được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Về chế độ, chính sách của cán bộ, công chức khi được tuyển dụng, bổ nhiệm vào từng vị trí việc làm đã được quy định rất cụ thể, nên không thể nói là do thu nhập thấp dẫn đến bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức.

Ông cha ta đã có câu “đói cho sạch, rách cho thơm”, không thể viện cớ thu nhập thấp để biện minh cho hành vi vô liêm sỉ, đánh đổi lòng tự trọng và nhân phẩm của mình.

Thực tế qua các vụ việc tham nhũng, tiêu cực cho thấy những sai phạm chủ yếu xuất phát từ lòng tham, không phải từ sự nghèo khó, nhiều cán bộ có điều kiện sống rất tốt nhưng vẫn tham nhũng.

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý đến việc dành nguồn lực để tăng lương cho cán bộ, công chức trong năm 2023, các địa phương không được dùng nguồn cải cách tiền lương để làm việc khác. Theo bà, tăng lương có phải là giải pháp để hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức?

Tôi cũng không phủ nhận khi được trả lương tương xứng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cá nhân và gia đình cán bộ, công chức sẽ giúp cho cán bộ, công chức yên tâm công tác, toàn tâm, toàn ý với công việc, từ đó năng suất, hiệu quả công việc được nâng lên.

Cải cách tiền lương sẽ là một trong những giải pháp góp phần phòng, chống tham nhũng nếu đi kèm với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và xử lý nghiêm minh những sai phạm. Khi đó, sẽ làm cho cán bộ, công chức “không cần, không muốn, không dám và không thể tham nhũng”.

Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã khẳng định “chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế – xã hội” và “tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực”.

Do đó, việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đến việc dành nguồn để tăng lương cho cán bộ, công chức trong năm 2023, các địa phương không được dùng nguồn cải cách tiền lương để làm việc khác là rất đúng và trúng, nhận được sự đồng thuận của các địa phương và đông đảo cử tri cả nước.

Tuy nhiên, để sớm loại bỏ những đối tượng thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần đẩy mạnh đấu tranh nội bộ thông qua phê bình và tự phê bình, cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần tăng cường công khai, minh bạch trong thi hành nhiệm vụ, tăng cường kiểm soát quyền lực và có cơ chế giám sát cán bộ một cách hiệu quả hơn, thì ý thức, cái “tâm” của mỗi cán bộ, công chức vẫn là quan trọng nhất.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Tạ Thị YênViệt Áxử lý cán bộ

Các tin liên quan đến bài viết