Đây là tuyến đường tránh đi vào trung tâm thị xã Điện Bàn nhưng nhỏ hẹp, chỉ có 2 làn xe lưu thông nhưng mật độ xe cộ rất lớn với đủ các loại xe. Nhất là vào buổi sáng và buổi chiều, công nhân đi làm, người dân lưu thông rất đông.
>> Vụ tai nạn thảm khốc 13 người chết: Tài xế xe đón dâu có dấu hiệu buồn ngủ
>> Tai nạn thảm khốc 13 người chết: Đại hỷ hóa đại tang!
Tuyến đường này dài khoảng 10km, từ ngã 3 Vĩnh Điện đến cầu Câu Lâu (mới) được khánh thành hơn 10 năm. Tuyến tránh này giảm lượng xe đáng kể đi xuyên vào trung tâm thị trấn Vĩnh Điện (phường Vĩnh Điện ngày nay); tuy nhiên càng ngày tuyến đường này trở thành “cung đường tử thần” khi số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một nhiều kéo theo đó là tình hình tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn rạng sáng ngày 30/7 khiến 13 người đi rước dâu tử vong
Mỗi buổi sáng vào giờ đi làm, con đường này tuyến chính để công nhân, người lao động từ huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn đi ra khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc hay ra TP Đà Nẵng làm việc. Một bên đường ken dày xe máy, ô tô… đi ra và lấn sang trái. Còn buổi chiều thì ngược lại.
Đường nhỏ, lượng xe ngày càng đông nên tai nạn xảy ra là điều không tránh khỏi. Tháng 6/2013, trên tuyến đường này, xe khách của hãng Mai Linh đã “bay” xuống ruộng làm 3 người tử vong, 30 người bị thương (Dân trí đã đưa tin “Xe khách lao ruộng, nhiều hành khách tử nạn, bị thương”).
Tuyến đường này ngày càng đông các loại phương tiện lưu thông nhưng đường chật hẹp, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao
Ngoài ra, có rất nhiều vụ tai nạn lẻ tẻ khác trên tuyến đường này cũng đã làm cho hàng chục người tử vong và hàng chục người khác bị thương.
Thượng tá Phan Thanh Hồng – Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam – cho hay, cách vụ tai nạn thảm khốc sáng 30/7 khoảng hai tuần, cũng ngay tại chỗ này, một vụ tai nạn khác đã cướp đi sinh mạng của hai mẹ con trú ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Ngoài ra, những vụ tai nạn nhỏ khác trên tuyến đường này này cũng “đếm không xuể”. Đây là điều đáng báo động.
Theo Thượng tá Phan Thanh Hồng, đây là cung đường có lưu lượng xe lưu thông rất lớn và quá chật, mỗi bên chỉ có một làn xe lưu thông một chiều, đặc biệt là không có giải phân cách giữa. Ngoài xe ô tô, tuyến đường này có lưu lượng xe máy cũng rất lớn vì đây là trục lưu thông chính của người dân từ Quảng Nam ra Đà Nẵng học tập, công tác…
“Đây là tuyến đường chúng tôi xác định nguy cơ gây tai nạn rất cao. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng nâng cấp, mở rộng để giảm thiểu tai nạn giao thông tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh nói chung và tuyến đường tránh này nói riêng”, Thượng tá Phan Thanh Hồng nói.
Trao đổi với PV, ông Trần Úc – Chủ tịch thị xã Điện Bàn cho biết, đây là tuyến đường tránh của thị trấn Vĩnh Điện trước đây nhưng hiện nay lưu lượng giao thông rất lớn, cần phải mở rộng và lắp đặt giải phân cách, có như thế mới giảm thiểu được tai nạn giao thông trên tuyến đường này.
“Đây là tuyến quốc lộ, để giải quyết một cách ổn định và lâu dài tình hình tai nạn giao thông trên tuyến đường này thì nên mở rộng và đặt giải phân cách. Tuy nhiên, cơ bản nhất vẫn là ý thức người tham gia giao thông”, ông Úc nói.
Theo Dân Trí