Hôm 26/2, Ukraine đệ đơn “kiện” LB Nga ra Tòa án Công lý quốc tế (International Court of Justice – ICJ). Ngày 7/3, Tòa mở phiên điều trần đầu tiên để nghe hai bên trình bày quan điểm, lập luận.

Chỉ có đại diện của Ukraine có mặt cùng nhóm luật sư (GS luật quốc tế người Pháp, người Mỹ; các luật sư của một hãng luật ở Mỹ). Phía LB Nga không cử người đến phiên điều trần, nhưng có gửi văn bản đệ trình về quan điểm đối với các nội dung bị kiện.

Lập luận của luật sư

Hiện nay LB Nga chưa có văn bản thừa nhận thẩm quyền bắt buộc của ICJ. Hơn nữa, không một điều ước nào trao cho Tòa thẩm quyền xem xét nội dung kiện về xâm lược hoặc kiện về vi phạm quy định cấm các quốc gia sử dụng vũ lực đối với các quốc gia khác theo điều 2(4) của Hiến chương LHQ.

Vì vậy, để tránh những vướng mắc về thẩm quyền của ICJ khi “kiện” Nga ra Tòa này, Ukraine dựa trên điều 9, Công ước Phòng ngừa và trừng phạt tội diệt chủng (Công ước về diệt chủng) mà cả 2 nước đều tham gia.

Điều 9 trao cho Tòa thẩm quyền xem xét “các tranh chấp giữa các bên tham gia Công ước liên quan đến việc giải thích, áp dụng hoặc thực thi Công ước, bao gồm các tranh chấp liên quan đến trách nhiệm về diệt chủng của một quốc gia hoặc về bất kỳ hành động nào đã được liệt kê tại điều 3” (của Công ước).

Vụ 'kiện' Nga ở Tòa Công lý quốc tế: Đường đi nước bước của Ukraine
Ukraine đệ đơn “kiện” LB Nga ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague (Hà Lan)

Do Nga dựa trên lý lẽ Ukraine có hành động diệt chủng đối với người Nga ở Donbass để đưa quân vào Ukraine chấm dứt diệt chủng, Ukraine đã gửi văn bản đến ICJ đề nghị Tòa phân xử làm rõ vấn đề này.

Ukraine cho rằng có sự tranh chấp giữa 2 nước theo nghĩa của điều 9 liên quan đến việc giải thích, áp dụng hoặc thực thi Công ước; rằng việc Nga dựa trên cáo buộc sai trái để gây chiến đã vi phạm Công ước về diệt chủng.

Ukraine đề nghị Tòa ban hành các biện pháp tạm thời yêu cầu LB Nga chấm dứt ngay các chiến dịch quân sự ở Ukraine, bảo đảm để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào chịu ảnh hưởng của Nga không tiến hành các hành động quân sự như vậy. Tại khổ 12, Đơn đề nghị ban hành các biện pháp tạm thời, Ukraine còn yêu cầu “quyền không bị cáo buộc một cách sai trái về diệt chủng, quyền không phải chịu hành động quân sự của quốc gia khác trên lãnh thổ Ukraine dựa trên sự lạm dụng điều 1 của Công ước về nạn diệt chủng”.

Đơn kiện, Đơn đề nghị ban hành các biện pháp tạm thời và phần trình bày của các luật sư phía Ukraine tại phiên điều trần ở Tòa hôm 7/3 nêu 2 vấn đề lớn. Một là, Ukraine có các hành động phạm tội diệt chủng như Nga tố cáo hay không? Hai là, Công ước về diệt chủng có cho phép Nga sử dụng vũ lực để ngăn chặn, chấm dứt diệt chủng ở ngoài lãnh thổ của Nga hay không?

Tuyên bố của đại diện Ukraine tại phiên điều trần, cũng như lập luận của các luật sư đều phản bác cáo buộc của Nga và phủ nhận, Nga không có quyền đưa quân vào một nước khác dù với mục đích ngăn chặn nạn diệt chủng. Dựa trên định nghĩa của Công ước và dẫn ra các sự việc thực tế, các luật sư chứng minh không có hành động diệt chủng nào đối với người Nga ở Donbass như cáo buộc của Nga.

GS luật quốc tế Thouvenin, luật sư của phía Ukraine khẳng định tại phiên điều trần, không một điều khoản nào trong Công ước về diệt chủng cho phép một quốc gia xâm phạm lãnh thổ của quốc gia khác để ngăn ngừa hay trừng phạt tội diệt chủng. Ông viện dẫn các phán xét trước đây của Tòa trong vụ Bosnia and Herzegovina v. Serbia và vụ Nicaragua v. the United States để đưa ra lập luận này (đoạn 41-44, biên bản phiên điều trần).

Để ngăn ngừa diệt chủng, GS Thouvenin viện dẫn điều 8 của Công ước về diệt chủng, theo đó cần đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ và Đại hội đồng LHQ, cũng như điều 9 trao thẩm quyền cho ICJ. Ông nói: “Như Ukraine khẳng định, theo Công ước, Nga hoàn toàn không có quyền tiến hành hành động quân sự ngày 24/2/2022” (đoạn 51 biên bản phiên điều trần). Sở dĩ như vậy vì như Tòa giải thích trong vụ Bosnia and Herzegovina v. Serbia, “mỗi quốc gia chỉ được hành động trong giới hạn mà luật pháp quốc tế đặt ra”.

Một luật sư khác của bên Ukraine là Marney Cheek cũng đưa ra lập luận này: “Điều 8 đề cập nghĩa ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng theo các quy tắc của luật pháp quốc tế được thể hiện trong Hiến chương LHQ” (đoạn 34, biên bản phiên điều trần).

Phản hồi của Nga

Trong văn bản đệ trình gửi ICJ, LB Nga cho rằng, Tòa không có thẩm quyền xem xét bất kỳ vấn đề nào về sử dụng vũ lực, bởi lẽ chúng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước về diệt chủng, không thuộc quy định tại điều 9, không thể đồng nhất jus ad bellum (quy tắc về điều kiện tiến hành chiến tranh, sử dụng lực lượng vũ trang) với Công ước này.

Lý lẽ quan trọng nhất trong bản đệ trình là Nga chỉ dựa trên quy định tại điều 51 của Hiến chương LHQ về quyền tự vệ để sử dụng vũ lực đối với Ukraine (không rõ quyền tự vệ của riêng LB Nga hay quyền tự vệ tập thể của Nga với 2 nước cộng hòa tự xưng trên lãnh thổ Ukraine).

Vụ 'kiện' Nga ở Tòa Công lý quốc tế: Đường đi nước bước của Ukraine
Vũ khí Nga đã sử dụng để tấn công Ukraine. 

Như vậy, bản đệ trình phủ nhận mối liên hệ giữa các cáo buộc về nạn diệt chủng đối với người Nga ở Donbass với việc sử dụng vũ lực đối với Ukraine.

Bản đệ trình trích dẫn rất nhiều bài phát biểu của Tổng thống Nga ngày 21/2, đồng thời đính kèm toàn bộ bài phát biểu đó ở phần phụ lục. Như vậy, Tòa có thể coi bản đệ trình là sự giải thích thực tế đối với bài phát biểu của ông Putin, trong đó đưa ra quan điểm về nạn diệt chủng để biện hộ cho việc sử dụng vũ lực đối với Ukraine. Thực chất, Nga cũng phủ nhận tranh chấp pháp lý với Ukraine theo Công ước về diệt chủng, bởi lẽ cả hai nước đều cho rằng, không một điều khoản nào của Công ước cho phép sử dụng vũ lực.

Nga cũng phủ nhận sự tương đồng giữa khái niệm diệt chủng trong phát biểu của Putin với diệt chủng theo Công ước; bài phát biểu không viện dẫn Công ước mà phía Ukraine dựa vào đó để kiện Nga; khái niệm diệt chủng tồn tại độc lập trong luật tập quán quốc tế, cũng như trong các hệ thống pháp luật quốc gia như LB Nga hay Ukraine. Bài phát biểu chỉ đề cập diệt chủng ở Donbass như một yếu tố của môi trường nhân đạo nói chung.

Một GS luật quốc tế tại ĐH Nottingham bình luận, lập luận này không có mấy trọng lượng, thiếu thuyết phục, vì không có sự khác biệt về mặt nội dung giữa khái niệm diệt chủng theo Công ước và theo luật tập quán quốc tế. Còn định nghĩa về diệt chủng của pháp luật 2 quốc gia thì không liên quan trong vụ kiện này; tranh cãi dựa trên Công ước và dựa trên tập quán quốc tế tồn tại độc lập với nhau và không loại trừ nhau.

Điều thú vị là, Nga không có lập luận trực tiếp phủ nhận khiếu kiện của Ukraine về việc Nga có cáo buộc sai trái về diệt chủng, do đó dẫn đến tranh chấp tại Tòa liên quan đến giải thích, áp dụng, thực thi Công ước về diệt chủng. Thay vào đó, Nga cho rằng, việc sử dụng vũ lực là vấn đề hoàn toàn tách biệt khỏi các vấn đề liên quan đến Công ước này. Vì vậy, Ukraine không có quyền được bảo vệ bởi các biện pháp tạm thời theo quy định của Công ước như nước này muốn.

Điều gì tiếp theo?

Chưa thể khẳng định Ukraine sẽ thắng kiện, nhưng Ukraine có lẽ chỉ cần Tòa ban hành các biện pháp tạm thời. Hơn nữa, hành động của Ukraine có sức mạnh tượng trưng nhất định.

Một chuyên gia nhận định, chưa thể khẳng định chắc chắn Tòa sẽ ban hành các biện pháp tạm thời, nhưng có lẽ Tòa không muốn bị coi là có thái độ e ngại, và có đủ bằng chứng để ban hành các biện pháp đó.

Theo GS luật quốc tế William Schabas của ĐH Essex, ở giai đoạn xem xét đề nghị của Ukraine về các biện pháp tạm thời, ICJ chưa cần phải khẳng định sự xác đáng trong quan điểm của Ukraine cho rằng Nga không có cơ sở pháp lý nào để sử dụng vũ lực dựa trên điều 1 của Công ước về diệt chủng. Nhưng GS cho rằng, một tuyên bố như vậy ở giai đoạn sau rất đáng được hoan nghênh.

Một tác giả khác viết, điều khó khăn ở chỗ, Tòa phải vừa phải xem xét tính xác đáng của các lập luận pháp lý, vừa cân nhắc để làm sao góp phần kết thúc tấn bi kịch này.

Dù sao chăng nữa, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine cho thấy, việc chấp nhận can thiệp quân sự dựa trên cáo buộc đơn phương về nạn diệt chủng tiềm ẩn mối nguy hại hết sức lớn cho trật tự, hòa bình thế giới. Vì vậy, như GS William Schabas viết, nếu Tòa từ chối công nhận bất kỳ ngoại lệ nào đối với sử dụng vũ lực không được quy định trong Hiến chương LHQ, điều đó sẽ làm cho thế giới được an toàn hơn.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : NgaUkraine

Các tin liên quan đến bài viết