Mới đây Viện KSND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục ban hành cáo trạng truy tố các bị can tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị can và luật sư bào chữa khiếu nại: cáo trạng truy tố các bị can không có căn cứ.
Điều tra lại, tiền thiệt hại giảm từ 49 tỉ xuống 13 tỉ
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bạc Liêu, các bị cáo: Ngô Chí Dũng (phó giám đốc), Nguyễn Thị Út (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc) và Huỳnh Thanh Đoàn (nguyên phó giám đốc Công ty Minh Hiếu) đã có nhiều hành vi gian dối khi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng BIDV thông qua hình thức vay vốn: lập báo cáo tài chính thể hiện công ty làm ăn có lãi trong khi thực tế là lỗ; thành lập các hộ kinh doanh cung cấp hóa đơn cho BIDV để giải ngân; gian dối trong việc cung cấp báo cáo, số liệu về tình hình sản xuất kinh doanh nhằm che giấu mục đích sử dụng sai vốn để chiếm đoạt số tiền hơn 13 tỉ đồng.
Trong khi trước đó, cáo trạng năm 2017 của Viện KSND tỉnh Bạc Liêu đã xác định số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt của ngân hàng là hơn 49 tỉ đồng (tổng số tiền vay là 66,3 tỉ, giá trị tài sản thế chấp chỉ có hơn 17 tỉ). Sau đó, năm 2018 TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử xác định các bị cáo chiếm đoạt của Ngân hàng BIDV 19 tỉ đồng.
Theo hồ sơ, Công ty Minh Hiếu do vợ chồng ông Ngô Chí Dũng thành lập. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, công ty có quan hệ tín dụng với BIDV Bạc Liêu. Từ ngày 21-7-2010 đến tháng 5-2013, Công ty Minh Hiếu đã được BIDV Bạc Liêu giải ngân cho vay tổng cộng ở 116 hợp đồng tín dụng với số tiền 83 tỉ đồng và 7,5 triệu USD.
Trong quá trình thực hiện các hợp đồng, Công ty Minh Hiếu đã trả nợ rất tốt cho ngân hàng, tất toán hết 92 hợp đồng với số tiền 66 tỉ và 6,3 triệu USD. Tính đến ngày 21-3-2016 (thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án), công ty này còn dư nợ với BIDV Bạc Liêu 43 tỉ đồng gốc và 16 tỉ đồng tiền lãi. Số dư nợ này nằm ở 24 hợp đồng và số tài sản bảo đảm lớn hơn số dư nợ của công ty.
Cuối năm 2012 đầu 2013, do khó khăn nên công ty đã tự ý đứng ra bán một số tài sản đảm bảo (được dùng để thế chấp bổ sung) mà chưa thông báo với phía ngân hàng. Vì vậy, BIDV Bạc Liêu có đơn gửi Công an tỉnh đề nghị hỗ trợ, giám sát. Ngược lại, phía Công ty Minh Hiếu cũng cho rằng ngân hàng chưa giải ngân đầy đủ theo thỏa thuận, dẫn đến hai bên tranh chấp.
Tòa xử dân sự, công an khởi tố hình sự
Sau đó, BIDV Bạc Liêu khởi kiện Công ty Minh Hiếu ra tòa. Trong khi TAND thị xã Giá Rai đang thụ lý, giải quyết lại vụ án thì ngày 21-3-2016, Công an tỉnh Bạc Liêu có quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (hành vi này đã được tách ra điều tra sau) xảy ra tại BIDV Bạc Liêu.
Vụ án đã được TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử và tuyên phạt 3 bị cáo trên tổng cộng 48 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cả 3 bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan.
Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM ngày 27-2-2019 cho rằng trước khi vụ án được khởi tố, BIDV Bạc Liêu đã khởi kiện vụ án dân sự để đòi tiền của Công ty Minh Hiếu và hai bên đã thỏa thuận được với nhau. Tuy nhiên, khi đang thỏa thuận thi hành án thì cơ quan điều tra lại khởi tố vụ án.
Như vậy trong cùng một thời điểm, cùng một vụ việc nhưng hai cơ quan tố tụng lại vừa xử lý mặt dân sự vừa khởi tố hình sự là trái pháp luật.
Đặc biệt, TAND cấp cao còn nhận định: “Cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự giữa Công ty Minh Hiếu và BIDV Bạc Liêu. Đồng thời, việc khởi tố của cơ quan điều tra vi phạm điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự vì ngân hàng không có đơn tố cáo Công ty Minh Hiếu”. Do đó, TAND cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thẩm quyền.
Đề nghị định giá lại tài sản
Sau khi Viện KSND tỉnh Bạc Liêu có cáo trạng và chuyển hồ sơ sang tòa án để xét xử, luật sư bào chữa cho các bị can đã có kiến nghị xem xét lại vụ án. Lý do, hành vi của các bị can không cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bản thân các bị cáo không có mục đích, động cơ chiếm đoạt và thực tế cũng không chiếm đoạt tài sản của BIDV.
Do đó, các luật sư đề xuất các cơ quan tố tụng định giá lại tài sản, bởi các bị can đều cho rằng Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bạc Liêu chưa xác định đúng và đầy đủ các tài sản thế chấp của Công ty Minh Hiếu. Ngoài ra, việc xác định giá trị của các tài sản này chưa phù hợp với quy định của pháp luật, chưa sát với giá thị trường của tài sản.
Đồng thời, luật sư cũng yêu cầu làm rõ các hành vi mà qua đó viện kiểm sát cho rằng các bị cáo đã gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản và đã chiếm đoạt tài sản hay chưa; xem xét cẩn trọng các chứng cứ gỡ tội để có kết luận khách quan, tránh làm oan người vô tội như nhận định tại bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM.
Các bị cáo không gian dối, không gây thiệt hại
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu xử phạt ông Ngô Chí Dũng 20 năm tù, bà Nguyễn Thị Út và ông Huỳnh Thanh Đoàn cùng mức án 14 năm tù.
Ở phiên tòa phúc thẩm do TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử, Viện KSND cấp cao cho rằng lời khai của các bị cáo chưa phù hợp với tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập và còn nhiều mâu thuẫn chưa được đối chất. Việc cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội là chưa đảm bảo tính khách quan, trung thực và chưa đúng quy định pháp luật.
Về việc các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt 19 tỉ đồng, Viện KSND cấp cao cho rằng quy kết này chưa thỏa mãn dấu hiệu của tội lừa đảo vì “các bị cáo không có hành vi gian dối, không có thiệt hại xảy ra với ngân hàng, tài sản thế chấp lớn hơn dư nợ rất nhiều”.
Nguồn: tuoitre.vn