TAND TP.HCM vừa ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thay đổi địa vị tố tụng vụ ‘đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên án’. Nguyên đơn trong vụ án trở thành bị đơn và ngược lại.

Vụ đương sự suýt nhảy lầu: Rút đơn khởi kiện, nguyên đơn thành bị đơn - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Dư

Theo nội dung vụ án, mảnh đất 3.500m² thuộc phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM là đất trồng cây hằng năm. Năm 1999, ông Phan Quý mua của ông Huỳnh Hữu Lợi bằng giấy tay. Năm 2002, ông Quý “cắt” 500m² trong mảnh đất trên bán cho ông Khâu Văn Sĩ bằng giấy tay.

Đến năm 2005, ông Quý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích 3.500m². Tháng 4-2009, ông Quý tiếp tục bán cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng mỗi người 87m² trong cùng thửa đất trên cũng bằng giấy tay.

Sau khi mua, ông Dư và ông Thắng cùng bán lại đất cho ông Sĩ (tổng cộng 674m²). Đến năm 2015 thì ông Sĩ bán lại toàn bộ đất cho ông Dư. Ông Dư đã đưa gia đình về đây sinh sống ổn định, khai báo tạm trú, tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà.

Song tháng 6-2017, ông Quý bất ngờ khởi kiện các ông Dư, Thắng, Sĩ ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên các hợp đồng chuyển nhượng đất trước đây giữa ông Quý với các ông Dư, Thắng, Sĩ vô hiệu.

Xét xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ, công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Dư, ông Thắng.

Không đồng ý, các bên kháng cáo, còn viện trưởng Viện KSND quận Gò Vấp kháng nghị bản án sơ thẩm.

Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Quý với các ông Dư, Sĩ, Thắng; không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sĩ, Thắng với ông Dư. Đồng thời, không công nhận quyền sử dụng đất của ông Lê Văn Dư đối với 674m².

Tòa buộc các bị đơn trả 674m² đất cho nguyên đơn và nhận lại số tiền đã trả cho nguyên đơn trước đây kèm số tiền lãi với lãi suất 9%/năm. Sau khi tòa tuyên án, một đương sự trong vụ án đã lao ra lan can định nhảy lầu tự tử nhưng được nhiều người ngăn cản kịp thời.

Sau đó TAND cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm và xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Tòa án đưa ra nhiều lập luận và cho rằng nếu không phát sinh thêm tài liệu, chứng cứ nào khác thì phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo yêu cầu phản tố của ông Dư.

Không đồng ý, ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy đề nghị Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM, tuy nhiên cơ quan này đã thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm.

Sau khi TAND cấp cao tại TP.HCM hủy án, TAND TP.HCM cũng đã thụ lý vụ án để xét xử sơ thẩm. Song, ngày 15-6-2022 nguyên đơn đã có đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn ông Lê Văn Dư vẫn giữ yêu cầu phản tố, nên tòa án đã quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy.

Như vậy, quan hệ pháp luật tranh chấp và địa vị tố tụng của các đương sự trong vụ án được thay đổi. Cụ thể, bị đơn – ông Lê Văn Dư trở thành nguyên đơn. Nguyên đơn – ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy trở thành bị đơn.

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (bảo vệ quyền lợi cho ông Lê Văn Dư) cho biết phía ông Dư và các luật sư rất vui vì nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện, để vụ án có thể kết thúc sau thời gian dài.

Dù muộn nhưng vẫn khép lại vụ án, để vẫn giữ được tình nghĩa đạo lý giữa các đương sự và tuân thủ luật pháp, tránh tạo tiền lệ cho sự bội ước trong dân…

Luật sư Thảo cho biết năm 2002, ông Phan Quý đã bán 500m2 cho ông Sĩ và 174m2 cho ông Dư và ông Thắng, sau đó ông Sĩ bán lại cho ông Dư bằng giấy tay 500m2 và ông Thắng cũng đồng ý gộp luôn cho ông Dư, hiện tại ông Dư đang quản lý sử dụng 674m2 đất của mình.

Vì vậy, bản thân ông Dư rất mong muốn ông Phan Quý có thể hỗ trợ để bản thân ông có thể làm thủ tục sang tên, cấp sổ phần diện tích mua bán này một cách hợp tình, hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Đương sự nhảy lầuTANDTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết