Trong vụ án Nguyễn Trọng Mười (tên gọi khác là Mười Thu, 42 tuổi, quê Nghệ An) lái ô tô tông chết 2 người rồi gọi đàn em là Đặng Quang Anh (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) đứng ra trình diện nhận tội thay. Các luật sư tranh luận về vấn đề người nhận tội thay liệu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Như Dân Việt đưa tin, ngày 29/10, Cơ quan CSĐT Công An TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành bắt tạm giam đối với Nguyễn Trọng Mười (tên thường gọi: Mười Thu, 42 tuổi, quê Nghệ An) về hành vi “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Trước đó, 8/10, Nguyễn Trọng Mười lái xe ô tô 7 chỗ trên đường Nguyễn Tri Phương hướng ra cầu vượt Sóng Thần. Khi xe ô tô đi tới gần tới hẻm 376 đường Nguyễn Tri Phương đã tông vào 2 xe máy chạy cùng chiều phía trước khiến 2 người tử vong.

Trong vụ án này, sau khi gây tai nạn, ông Mười Thu đã rời hiện trường và gọi đàn em tên Đặng Quang Anh đứng ra trình diện nhận tội thay. Tuy nhiên, công an sau đó xác định ông Mười Thu là người lái xe gây tai nạn.

Vụ lái ô tô tông chết 2 người, gọi đàn em ra nhận tội thay: Người nhận tội thay có vi phạm pháp luật?  - Ảnh 1.

Đặng Quang Anh ra hiện trường trình diện và nhận tội thay Mười Thu

Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích trong thực tiễn các vụ án xảy ra, người nhận tội thay cho người thực sự vi phạm thường do một số tình huống sau đây:

“Vì lý do tình cảm như vợ chồng, tình yêu nên họ đồng ý nhận tội thay, người nhận tội thay sẽ cam tâm tình nguyện hy sinh vì người mình yêu để chịu mọi hậu quả.

Thứ hai là về vấn đề đạo đức, tình thân như cha mẹ già thương con. Vì thương con nên cha mẹ sẽ nhận tội thay cho con hoặc anh em vì người thân của mình nên cũng sẽ nhận tội cho nhau.

Bên cạnh đó, loại thứ ba là người nhận tội thay vì chịu ơn nghĩa, mặc dù không có huyết thống gì nhưng họ cũng sẵn sàng đứng ra gánh tội thay cho ân nhân của mình.

Kiểu người thứ tư nhận tội thay người khác đó là vì tiền”.

“Người phạm tội sẽ dùng nhiều tiền và những hứa hẹn sẽ giúp đỡ người thân của người nhận tội thay để họ yên tâm nhận tội. Kiểu người nhận tội thay này thường vì hoàn cảnh nghèo khổ nên chấp nhận nhắm mắt hy sinh cuộc đời mình để đổi lại sự sung túc cho người thân, nên khi đã đồng ý nhận tội thay thì rất ít khi họ khai sự thật tên người phạm tội”, luật sư Thường nói.

Theo luật sư Thường, vụ việc ông Đặng Quang Anh nhận tội thay cho ông Mười Thu có thể thuộc nhóm nhận tội thay bởi vì bị quyền lực ép buộc, đe dọa.

“Người nhận tội thay người khác có thể bị xử phạt phạm 1 trong 2 tội: tội che giấu tội phạm hoặc tội khai báo gian dối. Mục đích là khai báo sai sự thật nhằm che đậy sự thật khách quan và làm sai lệch hướng điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tố tụng.

Tội che giấu tội phạm, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 5 năm (Điều 389 BLHS 2015). Tội khai báo gian dối bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 390 BLHS 2015)”, luật sư Thường cho hay.

Vụ lái ô tô tông chết 2 người, gọi đàn em ra nhận tội thay: Người nhận tội thay có vi phạm pháp luật?  - Ảnh 2.

Hiện trường vụ tai nạn

Trong khi đó, luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng: Trong vụ án trên, người nhận tội thay không thể bị xử lý hình sự.

Đối với vụ việc này, người được bị can điều tới khai báo không đúng sự thật, để nhận tội thay không phải là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa.

Do đó, không thể xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 382 (Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối) BLHS 2015 về tội khai báo gian dối.

Luật sư Điền nói: “Người đến trình diện thay trong vụ việc này cũng sẽ không bị khởi tố về tội che giấu tội phạm theo Điều 389 (Tội che giấu tội phạm) hoặc tội không tố giác tội phạm theo Điều 390 BLHS 2015.

Bởi, hành vi phạm tội được che giấu, không tố giác là bị khởi tố, xử lý theo khoản 2 Điều 260 (Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ) BLHS 2015, nên người che giấu, không tố giác không thuộc trường hợp bị xử lý trách nhiệm hình sự theo hai tội trên.

Điều 389 (Tội che dấu tội phạm) không liệt kê Điều 260 (Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ) BLHS 2015 vào để làm cơ sở xem xét xử lý hành vi che giấu, không tố giác tội phạm, là vấn đề gây tranh cãi khi sự việc nhận tội thay nói trên xảy ra”.

Còn luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng với vụ án không gây hậu quả nghiêm trọng, người đứng ra nhận tội thay sẽ bị xử phạt hành chính.

Đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà không trình báo, tố giác tội phạm lại còn nhận tội thay thì người nhận tội thay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm hoặc tội không tố giác tội phạm theo Điều 389, Điều 390 Bộ luật hình sự năm 2015.

“Còn đối với trường hợp nhận tội thay trong vụ tai nạn nêu trên, cơ quan điều tra có thể xem xét xử lý đối tượng nhận tội thay về hành vi che giấu tội phạm. Với những hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm đối với các tội danh được liệt kê tại điều 389 và điều 390 Bộ luật hình sự 2015, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng”, luật sư Cường nói thêm.

Theo tài liệu của cơ quan công an, chiều ngày 8/10, Nguyễn Trọng Mười (Mười Thu) điều khiển ô tô trên đường Nguyễn Tri Phương, phường An Bình, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Khi đến gần hẻm 376 đường Nguyễn Tri Phương, xe ô tô do Mười Thu điều khiển đã tông vào 2 xe máy chạy cùng chiều phía trước. Vụ tai nạn khiến anh T.Đ.T (18 tuổi, quê Quảng Trị) và T.N.A (27 tuổi, quê Nghệ An) tử vong tại chỗ.

Sau khi gây tai nạn, Mười Thu rời hiện trường và gọi điện cho đàn em là Đặng Quang Anh (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) đứng ra trình diện nhận tội thay. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan điều tra xác định Mười mới chính là người lái gây tai nạn.

Sau đó, công an mời ông Mười Thu lên làm việc, nhưng người này không hợp tác, buộc cơ quan công an phải tới nhà áp giải. Trước những bằng chứng không thể chối cải, Mười Thu đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Ngày 29/10, Cơ quan Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trọng Mười để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Theo Dân việt

Từ khóa : Bình Dươnggọi đàn em ra nhận tội thaylái ô tô tông chết 2 ngườilái ô tô tông chết 2 người rồi gọi đàn em ra nhận tội thayMười ThuNguyễn Trọng Mườitruy cứu trách nhiệm hình sựVụ lái ô tô tông chết 2 người

Các tin liên quan đến bài viết