Đến cuối ngày 11-1, hơn 10 ngày trôi qua kể từ ngày cuối cùng (31-12-2016) ủy quyền cho cấp phó điều hành doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An, cùng chồng vẫn bặt tăm ở nước ngoài, chưa trở về An Giang.
Ông Hoàng Hữu Thành – phó tổng giám đốc công ty và là người được bà Trinh ủy quyền điều hành công việc – cho biết vẫn chưa liên lạc được với vợ chồng bà Trinh, kể từ khi hết hạn được ủy quyền ngày 1-1-2017. “Tôi cũng vừa gửi đơn xin thôi giữ chức phó tổng giám đốc và chấm dứt hợp đồng lao động với công ty từ ngày 25-1 tới” – ông Thành cho hay. Theo ông Thành, căn cứ vào hợp đồng tín dụng, khoản thanh toán từ nước ngoài chuyển về tài khoản công ty tại Agribank chi nhánh An Giang đã được ngân hàng này giữ lại, nên công ty không thể quyết toán với dân. Riêng chuỗi liên kết, công ty đã báo cáo cơ quan chức năng xem xét, cho cơ cấu lại sản xuất. Trong một lá đơn vừa được gửi đến Agribank chi nhánh An Giang và các cơ quan chức năng trên địa bàn, chín hộ trong chuỗi liên kết dọc sản xuất cá tra của Công ty Thuận An đề nghị có giải pháp hỗ trợ, cho khoanh nợ, cơ cấu lại khoản nợ. Theo đó, cần tiếp tục duy trì hoạt động chuỗi liên kết để có vốn đầu tư sản xuất. Nếu chuỗi liên kết không thể duy trì, Agribank cần cho khoanh nợ, chuyển khoản nợ mà nông dân vay đầu tư nuôi cá trước đây sang Công ty Thuận An để ngân hàng trực tiếp thu hồi nợ từ doanh nghiệp này. Đặc biệt, các hộ này đề nghị được giải chấp tài sản để có cơ hội tiếp tục đầu tư sản xuất. Theo các hộ dân, sau khi bà Trinh ra nước ngoài cách nay hơn ba tháng, các ao nuôi không được cung ứng thức ăn, thuốc men theo hợp đồng. Trong khi đó, toàn bộ lượng cá tra thu hoạch trước đây đã giao hết cho công ty đúng theo nguyên tắc tham gia chuỗi liên kết, với tổng giá trị hơn 80 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được công ty thanh quyết toán.“Chúng tôi đã thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng trong chuỗi liên kết để nuôi cá, nhưng tiền bán cá chưa được trả nên không thể trả nợ vay, phải đóng tiền lãi dài dài, chưa kể tài sản hiện vẫn đang thế chấp ngân hàng” – ông Lê Quang Vinh, một hộ nuôi cá trong chuỗi liên kết, cho biết.Tuy nhiên theo ông Bùi Thanh Quang – giám đốc Agribank chi nhánh An Giang, ngân hàng này chỉ giải chấp tài sản thế chấp khi các hộ vay hoàn thành việc trả nợ gốc và lãi vay theo hợp đồng tín dụng. Việc Công ty Thuận An nợ tiền bán cá tra, các hộ trong chuỗi liên kết cần giải quyết trực tiếp với công ty này trên cơ sở hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, ông Quang cho biết ngân hàng có thể xem xét giải quyết cho cơ cấu lại thời gian trả nợ, nhằm tạo điều kiện cho các hộ này duy trì sản xuất có nguồn thu nhập trả nợ ngân hàng.

Liên kết rồi ôm nợ: Từ tháng 8-2014, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép và chỉ định Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) cho vay tín chấp, chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh cá tra được Công ty Thuận An triển khai. Ngoài vùng nuôi riêng, doanh nghiệp này còn liên kết với một số hộ nông dân thả nuôi cá tra 50ha. Theo đó, người nuôi được cung ứng thức ăn, thuốc men cho hoạt động nuôi cá, ngân hàng chi trả ngay cho nhà máy sản xuất. Toàn bộ cá tra trong chuỗi liên kết được công ty bao tiêu, chế biến xuất khẩu rồi thu tiền về thanh toán lại cho ngân hàng. Sau khi trừ chi phí, nông dân được hưởng lợi nhuận. Đến ngày 18-11-2016, Công ty Thuận An đang nợ gần 800 tỉ đồng, trong đó vốn vay các ngân hàng gần 600 tỉ đồng và hơn 2,51 triệu USD, nợ người nuôi cá 120 tỉ đồng…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : agribankcông tydoanh nghiệpngân hàngsản xuất

Các tin liên quan đến bài viết