Sáng 15-12, phiên xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu xăng dầu ngàn tỉ xảy ra tại Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (Tuy Phong, Bình Thuận) kết thúc phần xét hỏi các bị cáo và những người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan.

VỤ BUÔN LẬU XĂNG DẦU NGÀN TỈ: Bị cáo người nước ngoài gửi lời xin lỗi đến HĐXX - Ảnh 1.

Các bị cáo được dẫn giải về trại tạm giam sau phiên xét xử 

Phần xét hỏi vụ án này kéo dài hơn 3 ngày với các thủ tục thẩm vấn từ HĐXX, đại diện Viện KSND tối cao và 25 luật sư bào chữa cho 12 bị cáo cũng như bảo vệ quyền lợi các bên liên quan.

Trong quá trình thẩm vấn, các bị cáo bị truy tố về tội buôn lậu gồm: Nguyễn Đức Mạnh, Nguyễn Thanh Sơn, Vũ Văn Bằng, Nguyễn Đăng Duy, Nguyễn Đức Quang (cùng làm tại Công ty CP Dương Đông Hòa Phú), Lê Quang Hoàng, Đàm Văn Dương (cùng làm tại Công ty CP giám định World Control), Lê Hải Dương (nhân viên Công ty TNHH Đông Hưng Quốc Tế) đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình.

Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng bản thân chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của sếp và không hề có chia chác gì trong phi vụ này. Trong đó, nhân vật điều hành chính đường dây buôn lậu xăng dầu ngàn tỉ này là người đàn ông tên Luyện Xuân Tràng đã bỏ trốn. Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can và quyết định truy nã Luyện Xuân Tràng.

Các bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Bình Thuận (trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai) gồm: Đinh Hữu Thùy (bị truy tố về tội nhận hối lộ) và Lê Văn Vinh (bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) đã thừa nhận không làm đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công, để cho các bị cáo khác thực hiện trót lọt các chuyến hàng lậu.

Liên quan hành vi nhận hối lộ, cáo trạng đã truy tố các bị cáo Mạnh, Sơn và Nguyễn Tuấn Anh (nhân viên Công ty Dương Đông Hòa Phú) về tội đưa hối lộ.

Riêng bị cáo Aleria Rmel Pagente (quốc tịch Philippines) – thuyền trưởng tàu BTS Christina – không thừa nhận tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới như cáo trạng truy tố. Bị cáo cho rằng mình chỉ là người lái tàu thuê, thực hiện theo yêu cầu của chủ tàu và hồ sơ vận chuyển đã vạch ra.

Bị cáo Aleria Rmel Pagente giải thích thêm mình chỉ là người ký vào hồ sơ mà đại lý viên hàng hải Lê Hải Dương đã lập sẵn. Theo đó, trước khi tàu đến cảng Hòa Phú, Lê Hải Dương có gửi thư điện tử cho thuyền trưởng yêu cầu cung cấp trước giấy tờ hàng hóa và hồ sơ con tàu để lập tờ khai.

Tàu vừa cập cảng LPG Hòa Phú, Aleria Rmel Pagente liền ký để Dương hoàn tất hồ sơ chuyến hàng làm thủ tục thông quan mà không cần đọc lại.

Tại phiên tòa, vị đại diện Lãnh sự quán Philippines cho biết gia cảnh bị cáo rất khó khăn, chỉ là người đi làm thuê nên mong muốn pháp luật Việt Nam khoan hồng, xét xử mức án phù hợp nhất để sớm trở về quê hương.

Trước khi về chỗ ngồi, bị cáo Aleria gửi lời xin lỗi đến HĐXX vì đã ký vào một hồ sơ sai trái mà không hề hay biết. “Tôi rất hối hận về điều này. Xin tòa án Việt Nam xem xét cho tôi được hồi hương và thả con tàu của tôi một ngày sớm nhất” – bị cáo nói.

Dự kiến sáng thứ hai phiên tòa sẽ bước vào phần tranh luận.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bình Thuậnbuôn lậu xăng dầu

Các tin liên quan đến bài viết