Vụ một Việt kiều Đức phản ứng khi bị CSGT Đội Cát Lái – Phòng CSGT Công an TP.HCM kiểm tra, xử lý do vi phạm giao thông vào sáng 18-3, trong đó có việc bằng lái xe của người vi phạm do Đức cấp, đang gây xôn xao dư luận sau khi vụ việc được tung lên mạng.
Liệu “Giấy phép lái xe (GPLX) Đức có hợp pháp tại Việt Nam và CSGT Cát Lái đã giải quyết đúng quy định pháp luật đối với vụ việc này hay chưa?”, là câu hỏi mà người dân cần được giải đáp…
Ngày 20-3, mạng xã hội facebook xuất hiện clip một người vi phạm cự cãi với CSGT, cho rằng lực lượng thực thi công vụ đã sai khi không công nhận bằng lái xe của anh bởi nó được viết bằng tiếng Đức. Clip trên được chia sẻ trên mạng, rất nhiều người thắc mắc rằng liệu GPLX nước Đức có được phép sử dụng tại Việt Nam hay không?
Qua xác minh, sự việc diễn ra lúc 13 giờ ngày 18-3, trên đường Mai Chí Thọ, Q.2, TP.HCM. Thời điểm trên, tổ công tác thuộc Đội CSGT Cát Lái đang thực hiện chuyên đề xử lý phương tiện chạy quá tốc độ tại đây, phát hiện ông Vũ Thanh Tùng (SN 1978 – Việt kiều Đức) điều khiển phương tiện vi phạm giao thông nên ra hiệu lệnh yêu cầu tạm dừng để kiểm tra.
Lực lượng chức năng đã chứng minh hình ảnh vi phạm tốc độ (xe ông Tùng chạy 63/h so với tốc độ tối đa quy định của đoạn đường này là 50/h) và yêu cầu ông Tùng xuất trình giấy phép lái xe. Lúc này, ông Tùng đưa ra một bằng lái, trên đó chỉ in một loại ngôn ngữ chính là tiếng Đức. Một cán bộ CSGT căn cứ theo Điều 4 Khoản 2 của Thông tư 29 của Bộ GTVT nói bằng lái quốc tế phải song ngữ mới hợp pháp. Vì thế, tổ công tác đã thông báo sẽ tạm giữ phương tiện và bằng lái nêu trên để xác minh.
Quá trình xác minh sau đó, Đội CSGT Cát Lái xác định theo Công ước 1968 (Công ước về GPLX Quốc tế) thì nước Đức nằm trong danh sách được phép và hợp pháp tại Việt Nam. Sau đó, tại Đội CSGT Cát Lái đã trả lại GPLX cho người vi phạm và lập biên bản xử phạt lỗi chạy quá tốc độ theo quy định pháp luật.
Thế nhưng, đến 2 hôm sau, trên mạng xã hội lại xuất hiện clip với thông tin “một chiều” cho rằng CSGT Cát Lái xử lý đối với trường hợp của Việt kiều Đức nêu trên là sai, khiến dư luận xôn xao.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP.HCM, ông Vũ Thanh Tùng thừa nhận đã được CSGT Cát Lái trả lại phương tiện và GPLX nhưng giữ lại giấy đăng ký xe để phạt lỗi chạy quá tốc độ. Tuy nhiên, ông này cho rằng mình cần lời xin lỗi của CSGT vì đã “vô cớ tạm giữ phương tiện của ông và không công nhận GPLX của ông”.
Về tình tiết này, một đại diện của Đội CSGT Cát Lái cho phóng viên Báo CATP biết, sau khi xác minh qua nhiều nguồn từ cơ quan quản lý, đơn vị xác định nước Đức là quốc gia nằm trong Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 (hợp pháp tại Việt Nam) nên đã trả lại bằng lái cho ông Tùng theo đúng quy định pháp luật.
“Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại trụ sở Đội CSGT Cát Lái, ông Tùng một mực không thừa nhận lỗi vi phạm chạy quá tốc độ, muốn không bị xử phạt lỗi nào cả mặc dù chúng tôi đã đưa hình ảnh khoa học để chứng minh theo đúng quy trình” – đại diện này nói.
Ngoài ra, theo khảo sát của phóng viên Báo CATP với nhiều đơn vị CSGT thì đây là trường hợp khá hy hữu, bởi với GPLX ở nhiều quốc gia khác, đa số cán bộ, chiến sỹ căn cứ vào Thông tư 29, quy định trường hợp bằng lái quốc tế phải song ngữ mới hợp pháp, trong khi đó Công ước 1968 giữa Việt Nam và Đức thì dường như là “điểm mù” khó thể xác định ngay.
“Do hệ thống các thông tư, quy định, công ước… khá nhập nhằng, chồng chéo nên lực lượng CSGT bị “vướng mắc” nhiều vấn đề, dẫn đến nếu gặp trường hợp phức tạp, phải tạm giữ GPLX để xác minh, làm rõ. Việc lực lượng làm nhiệm vụ được tạm giữ GPLX của người vi phạm để xác minh là không sai. Hơn thế nữa, trong vụ này, Việt kiều Đức đã bị bắn tốc độ nên việc tạm dừng phương tiện, tạm giữ GPLX là hợp lý. Khi xác minh xong, CSGT Cát Lái trả lại giấy tờ và phương tiện ngay trong chiều cùng ngày là đã giải quyết rất linh động và đúng quy định pháp luật” – nguyên Đội trưởng một đội CSGT thuộc Công an TP.HCM, đánh giá.
Được biết, chiều nay (21-3), Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM sẽ tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về vụ việc nói trên để người dân nắm rõ hơn các quy định pháp luật về việc GPLX nước ngoài như thế nào mới được hợp pháp tại Việt Nam. Báo CATP sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp của vụ việc…
Theo Congan.com.vn