Các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc khi ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý 2, trong khi quý 4 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.
Phát biểu tại cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp vào ngày 23-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận thị trường chứng khoán vừa trải qua một đợt sụt giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu và cổ phiếu xuống thấp.
Theo ông Phớc, thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” của nền kinh tế nhưng thời gian qua đã sụt giảm mạnh, nhiều cổ phiếu giảm hơn 70%, thanh khoản hạn chế. Trong khi đó, sau thời gian tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng do thiếu vốn cũng như niềm tin của thị trường suy giảm…
Đặc biệt, theo các doanh nghiệp, đang có những khó khăn, sức sản xuất kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng và nếu tiếp tục tình hình này thì sẽ rất khó khăn cho thời kỳ tiếp theo. Dù chỉ số kinh tế vĩ mô thời điểm này vẫn tăng trưởng tốt, nhưng nếu không có biện pháp gì để thúc đẩy thị trường, đặc biệt là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thì sẽ rất khó khăn trong tương lai.
Cũng theo ông Phớc, trái phiếu doanh nghiệp luôn được xác định là một công cụ của thị trường vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, vừa qua có một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong vấn đề phát hành bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang, doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn…
Do đó, ông Phớc đề nghị các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành cùng chung tay tìm ra giải pháp nhằm giúp thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển cũng như củng cố niềm tin cho thị trường trái phiếu.
“Chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến của các doanh nghiệp, vì không ai hiểu về thị trường và các khó khăn vướng mắc hơn chính các doanh nghiệp đang có mặt ở đây”, ông Phớc đề nghị.
Trao đổi với chúng tôi, một thành viên tham gia cuộc họp cho biết nhiều ý kiến từ các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành cho rằng giải pháp quan trọng để “cứu” thị trường chứng khoán và trái phiếu là nới room tín dụng ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Vũ Long, tổng giám đốc của VNDIRECT, nút thắt lớn nhất đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc khi ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý 2, trong khi quý 4 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.
Theo ông Long, điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Bình – tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM – cho rằng điều doanh nghiệp mong muốn không phải hỗ trợ bằng tiền mà cần hỗ trợ bằng việc giải quyết các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể giải quyết nhanh, để các nhà đầu tư có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để có nguồn tiền trả nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư đúng hạn.
“Doanh nghiệp luôn luôn xác định việc thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư là một việc đặc biệt quan trọng để giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường” – ông Bình cho hay.
Tổng hợp vướng mắc trình Chính phủ gỡ
Bên lề cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính khuyến nghị công ty chứng khoán, doanh nghiệp, hiệp hội trái phiếu nêu ra những vướng mắc liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, thanh khoản để Bộ Tài chính tổng hợp, làm việc với các bộ ngành, sau đó báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa ra các giải pháp củng cố niềm tin của thị trường.
Ngân hàng còn “room” để cho vay
Trong công văn về tăng trưởng tín dụng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến nay đạt khoảng 11,5%. So với chỉ tiêu định hướng năm nay là 14%, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Do vậy, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng phải chủ động cân đối nguồn vốn, tỉ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Vốn cần ưu tiên cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế… Tuy nhiên, theo NHNN, các ngân hàng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Nguồn: tuoitre.vn