Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, 15 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bình Phước đã góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đặc biệt, ngân hàng đã đồng hành và tạo đòn bẩy giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên bằng chính sức lao động của mình; nhất là đối với vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân được cải thiện rõ nét.

HUY ĐỘNG SỨC DÂN

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Phước đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân. Bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của tập thể, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các chi, đảng bộ đối với việc thực hiện chỉ thị. Các huyện, thị đã ban hành văn bản cụ thể hóa nội dung chỉ thị phù hợp tình hình thực tế; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giao dịch với khách hàng – Ảnh: S.H

Từ khi hoạt động (năm 2003), bên cạnh việc tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn từ NHCSXH Trung ương, chi nhánh luôn chủ động, tích cực huy động vốn từ các tổ chức kinh tế, dân cư; đặc biệt tham mưu các cấp chính quyền tăng cường vốn vay theo phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”. Nhờ đó, chi nhánh tập trung được vốn đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 19,94%/năm, đáp ứng nhu cầu vay để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn đến ngày 30-6-2017 của Chi nhánh NHCSXH Bình Phước là 1.929,628 tỷ đồng, tăng 13,57 lần so với khi mới thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,89%/năm. Trong đó vốn Trung ương chuyển về 1.677,751 tỷ đồng, tăng 12,02 lần; vốn nhận ủy thác tại địa phương 86,165 tỷ đồng, tăng 25,36 lần; vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất 165,712 tỷ đồng, tăng 165,712 tỷ đồng so với khi mới thành lập.

Thời gian qua, NHCSXH Bình Phước đã phối hợp các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, tuyên truyền huy động tiền gửi tiết kiệm, đến nay đã huy động được 90,386 tỷ đồng; huy động tiền gửi tổ chức và cá nhân 75,26 tỷ đồng, tăng 75,26 tỷ đồng so với khi mới thành lập. Từ tháng 9-2016, các đơn vị thuộc hệ thống NHCSXH tỉnh triển khai huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã. Sau gần 1 năm thực hiện, người dân đã tin tưởng gửi tiết kiệm, cụ thể số dư đến 30-6-2017 là 6,909 tỷ đồng, có 100% điểm giao dịch xã phát sinh tiền gửi tiết kiệm.

ĐA CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH

Khi mới thành lập, chi nhánh nhận bàn giao 3 chương trình: cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Sau 15 năm, chi nhánh đã triển khai cho vay thêm 10 chương trình tín dụng chính sách mới, như: cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cho vay hộ gia đình sản xuất – kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở… Đến nay, chi nhánh triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương. Các chương trình tín dụng được thực hiện kịp thời, đúng chính sách và chế độ; vốn vay được giải ngân trực tiếp, đảm bảo nguyên tắc quản lý công khai và dân chủ.

Cán bộ NHCSXH huyện Lộc Ninh làm thủ tục vay vốn cho người dân xã Lộc Điền (Lộc Ninh)  – Ảnh: K.B

15 năm qua, doanh số cho vay của chi nhánh đạt 4.692,686 tỷ đồng, với 360.725 lượt khách hàng vay. Doanh số thu nợ đạt 2.911,279 tỷ đồng. Tổng dư nợ của chi nhánh đạt 1.924,045 tỷ đồng, với 81.254 khách hàng còn dư nợ, tăng so với thời điểm mới thành lập 13,98 lần, thu lãi hằng năm đạt trên 98%. Mức dư nợ bình quân 1 hộ vay được nâng lên từ 3,2 triệu đồng (năm 2003) lên 23,68 triệu đồng (năm 2017). Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhưng nợ quá hạn thấp (0,21%), chứng tỏ chất lượng tín dụng được đảm bảo, quy trình cho vay và đối tượng vay thực hiện nghiêm, vốn cho vay được người dân sử dụng hiệu quả.

Trong 15 năm qua, tập thể Chi nhánh NHCSXH Bình Phước và nhiều cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh; Huân chương Lao động hạng Ba; cờ thi đua và nhiều bằng khen của các bộ, ngành Trung ương. Đảng bộ chi nhánh nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh.

Sau ngày hoạt động, chi nhánh nhận bàn giao từ các đơn vị với tổng nợ quá hạn 7,197 tỷ đồng. Đi đôi với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng là yếu tố được chi nhánh, Ban đại diện Hội đồng quản trị chi nhánh ngân hàng, chính quyền địa phương và hội, đoàn thể nhận ủy thác quan tâm hàng đầu, vì vậy nợ quá hạn được kiểm soát. Đến ngày 30-6-2017, tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh của chi nhánh 5,654 tỷ đồng, chiếm 0,29% tổng dư nợ.

NHCSXH tỉnh từng bước khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

VÌ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI DÂN

Ban đầu, chi nhánh có 11 cán bộ, đến nay 119 cán bộ, nhân viên. Chi nhánh gồm có Hội sở tỉnh và 9 phòng giao dịch thị xã, huyện; toàn tỉnh có 107 điểm giao dịch tại xã với trên 480 cán bộ hội, đoàn thể tham gia hoạt động ủy thác, 1.994 tổ tiết kiệm và vay vốn. Những năm qua, chi nhánh luôn quan tâm đến cán bộ trẻ, có năng lực, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, mạnh dạn bổ nhiệm giữ các chức danh chủ chốt của các phòng giao dịch và phòng chuyên môn nghiệp vụ.

NHCSXH là tổ chức tín dụng đặc thù, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, do đó tín dụng chính sách vừa phải đảm bảo tính chất tín dụng vừa mang tính xã hội. Từ năm 2003 đến tháng 6-2017, toàn tỉnh có 306.725 lượt hộ và các đối tượng chính sách được vay vốn NHCSXH. 15 năm qua, từ vốn vay tín dụng chính sách đã giúp 38.715 lượt hộ trên địa bàn tỉnh thoát nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 22.033 lao động; 136 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn xuất khẩu lao động; giúp 35.367 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 161.887 công trình nước sạch vệ sinh nông thôn và xây 3.490 căn nhà từ chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

Khi mới thành lập, chi nhánh chỉ ủy thác chương trình cho vay hộ nghèo, đến nay đã ủy thác 13/13 chương trình tín dụng chính sách qua 4 hội, đoàn thể. Các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác là “cầu nối” giữa Nhà nước và nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Từ đó người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi. Đến 30-6-2017, dư nợ ủy thác qua 4 hội, đoàn thể 1.913,491 tỷ đồng, chiếm 99,45% tổng dư nợ. Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay nối dài” của NHCSXH giúp chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, trực tiếp tổ chức họp bình xét vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay; vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm; thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm theo định kỳ; phối hợp tốt xử lý nợ tồn đọng…

Việc kiểm tra giám sát của ban đại diện hội đồng quản trị các cấp và hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ của chi nhánh đã góp phần tích cực nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, phát huy tính chủ động phòng ngừa sai phạm và kịp thời xử lý tồn tại, hạn chế. Cụ thể, ban đại diện hội đồng quản trị các cấp đã kiểm tra 108 lượt huyện, 963 lượt điểm giao dịch, 1.074 lượt xã, 3.373 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn, 23.535 lượt hộ vay vốn. Hằng năm, chi nhánh đều tổ chức thực hiện kiểm tra toàn diện, đột xuất, phúc tra tại các đơn vị trực thuộc và đơn vị nhận ủy thác. Kết quả đã kiểm tra 162 lượt huyện, 2.324 lượt điểm giao dịch, 2.560 lượt xã, 15.363 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn, 217.238 lượt hộ vay vốn. Ngoài ra, hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp cũng đã tích cực kiểm tra nhằm kiểm soát vốn vay.

Song song đó, chi nhánh đã thực hiện tốt an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ thiết thực người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn cơ sở chi nhánh đã vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động đóng góp ủng hộ quỹ tình nghĩa, quỹ an sinh xã hội trên 1,2 tỷ đồng.

Từ những kết quả thiết thực cho thấy hoạt động của Chi nhánh NHCSXH Bình Phước không ngừng phát triển; vốn phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng nâng cao, chính sách tín dụng ưu đãi đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp. Từ đó góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao mức sống người dân, nhất là giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : ngân hàng chính sáchphát triển kinh tếVốn chính sách

Các tin liên quan đến bài viết