Với chỉ khoảng 20.000 đồng, bữa ăn trưa của học sinh nhiều trường ở TP.HCM liệu có đủ chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi vật giá leo thang như hiện nay?
Đó là câu hỏi nhiều phụ huynh đặt ra trong bối cảnh suất ăn trường học là đề tài nóng suốt tuần qua, nhân vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa).
Phụ huynh cũng than vãn về tình trạng thực đơn “lệch” pha, không đủ dinh dưỡng và đa dạng thức ăn cho học sinh theo bữa ăn chuẩn như hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Kiến nghị tăng tiền ăn nhưng không được
Hôm 22-11, trong một group phụ huynh ở TP.HCM, một số phụ huynh than vãn về việc con mình đã quá “ngán” thức ăn tại trường khi suốt tuần cơm chỉ ăn với thịt và trứng.
“Nhìn vào thực đơn tôi cũng sốt cả ruột. Cả tuần các con ăn qua ăn lại các món trứng chiên thịt, đậu hủ xốt cà, xúc xích, đậu hủ nhồi thịt. Chưa nói đến khẩu phần có đủ định lượng không nhưng món ăn như vậy với trẻ tiểu học sợ không đủ chất để phát triển trong khi ở tuổi này, các con đang tuổi ăn tuổi lớn” – một phụ huynh trong group này chia sẻ.
Tương tự, ở group phụ huynh của một trường khác tại TP.HCM, nhiều phụ huynh bức xúc đưa ra đề nghị: “Đề nghị nhà trường bổ sung thêm lượng cá vào khẩu phần ăn vì hiếm thấy thực đơn có món này. Mà khẩu phần cá phải tăng thêm, thay thế cho xúc xích, chả cá. Vì hai món này xuất hiện quá nhiều, không tốt cho sức khỏe các con”.
Thậm chí, một số phụ huynh đề nghị nhà trường bổ sung vào thực đơn các món như tôm, mực để học sinh có đủ chất.
“Tăng thêm tiền đi, cho học sinh ăn đa dạng hơn chứ như thế này học sinh sao đủ chất để phát triển. Tôi kiến nghị nhà trường tăng lên mức thu 40.000 đồng nhưng nhà trường vẫn chưa đồng ý” – bà Nguyễn Thảo Vy, phụ huynh một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM, nói với Tuổi Trẻ về kiến nghị mà mình đã gửi đến nhà trường.
Trường… cân não khi “đi chợ”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM xác nhận năm học 2022-2023, mức thu bữa trưa và bữa xế của học sinh có giá 30.000 đồng, không tăng so với mấy năm trước đó vì năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu không tăng các khoản thu, dù đây là khoản thu thỏa thuận.
Bữa ăn chuẩn của học sinh phổ thông ở TP.HCM thực hiện theo chương trình bữa ăn học đường Nhật Bản sẽ gồm năm món: cơm, món mặn, món xào, canh, món tráng miệng.
Ngoài ra nhà trường còn cung cấp bữa ăn xế và nhiều bữa xế phải có khẩu phần là một hộp sữa. Trong bối cảnh vật giá thực phẩm leo thang, nhiều trường học cho biết họ rất đau đầu khi lựa chọn thực phẩm cho học sinh.
“Hiện nay, tại quận chúng tôi mức thu bữa ăn bán trú chỉ 30.000 đồng/suất. Chi phí cho bữa xế từ khoảng 6.000 – 10.000 đồng/ngày, còn từ 20.000-24.000 đồng/ngày cho bữa ăn trưa.
Đó là chưa trừ ra chi phí thuế VAT 8% nữa, nên nhà trường phải cân não trong việc lên thực đơn đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng cho học sinh cũng như mua sắm thực phẩm để học sinh ăn uống đủ chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” – cô Nguyễn Thị Minh Phương, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bông Sao, quận 8, nói.
Theo cô Nguyễn Thị Minh Phương, cô rất mong muốn học sinh có thể ăn nhiều hơn các món như cá thu, mực, tôm… nhưng với vật giá leo thang hiện nay nhà trường cũng phải tính toán rất cẩn thận để lên thực đơn cho học sinh, không thể cho học sinh ăn nhiều những món có giá tăng cao.
Hiệu trưởng một trường tại quận 11, TP.HCM cũng xác nhận trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao hơn trước rất nhiều, thực đơn nhà trường vẫn giữ nhưng “khẩu phần thực phẩm phải đắn đo để cân đối”.
“Tôi ví dụ, cũng là món tôm rim thịt nhưng trước đây khi giá chưa tăng, mỗi khẩu phần như vậy cân đối giữa tôm và thịt bằng nhau thì nay tôm chỉ điểm xuyết và thịt nhiều hơn. Còn nhiều món khác phải tìm thực phẩm thay thế vì không đủ chi phí để học sinh có thể ăn theo thực đơn của giá trước đây” – vị hiệu trưởng này tâm sự.
Co kéo, khó khăn như vậy nhưng các trường cho hay họ không thể đề xuất tăng giá bữa ăn bán trú của học sinh lên vì đây là khung quy định chung.
Không biết tính sao với… 22.000 đồng
Theo hiệu trưởng một trường ở quận 11, TP.HCM, khẩu phần cơm trưa của học sinh gồm: cơm, món mặn, món xào, món canh, tráng miệng, gói gọn trong khoảng 22.000 đồng.
Trong đó, tráng miệng nếu mua rau câu cho học sinh đã mất khoảng 3.000 đồng; cam, quýt, chuối… có giá cao hơn, nên nhà trường thật sự khó khăn khi lên thực đơn cho học sinh. “Mà đó là những trường có bếp nấu. Còn những trường không có bếp thì… không biết tính sao với chi phí này” – vị hiệu trưởng chia sẻ.
* Ông Hồ Tấn Minh (chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM):
Không được phép tăng giá
Ngày 25-11, trả lời Tuổi Trẻ về việc khoản thu bữa ăn bán trú ở một số quận, huyện TP.HCM trong bối cảnh thực phẩm tăng giá vẫn thu ở mức 30.000 đồng cả bữa trưa và bữa xế, lo lắng không đủ dinh dưỡng cung cấp cho học sinh, ông Hồ Tấn Minh cho biết đây là khoản thu thỏa thuận.
Theo văn bản hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác đầu năm học 2022-2023 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn được Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 23-8, để bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP duy trì, giữ nguyên toàn bộ các nội dung và định mức thu các khoản thu dịch vụ (thu thỏa thuận, thu hộ, chi hộ), khoản thu hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập. Vì thế, khoản thu bữa ăn này cũng không được phép tăng giá.
Các bước giám sát để có bữa ăn an toàn
Đoàn giám sát kiểm tra bếp ăn tại Trường TH Trần Nguyên Hãn, quận 8, TP.HCM
Trả lời Tuổi Trẻ, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh – trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – cho biết để đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh, nhà trường không nên dùng sản phẩm đông lạnh, chế biến sẵn mà nên dùng thực phẩm tươi ngon chế biến cho học sinh. Hạn chế dùng phẩm màu, phụ gia.
Trường học cũng không nên dùng xúc xích, giò chả… để chế biến thức ăn cho học sinh. Thực phẩm là thịt, cá tươi thì tốt hơn là các thực phẩm đã qua chế biến và cần đa dạng thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng dinh dưỡng cho học sinh.
Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, cần giám sát tất cả các khâu từ khi nhập thực phẩm đến khi ăn. Có thể cần cử nhân dinh dưỡng tiết chế giám sát, hoặc thầy cô của trường được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, cần giám sát: nguồn gốc thực phẩm đảm bảo an toàn; phụ gia thực phẩm được phép sử dụng; nguồn nước sử dụng cho ăn uống đảm bảo an toàn; cảm quan thực phẩm lúc chưa chế biến (màu, mùi, tươi…); kiểm tra hóa chất tồn dư trong thực phẩm; cách bảo quản thực phẩm chưa chế biến và thực phẩm chín; dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm và phục vụ ăn uống; cách chế biến: thực phẩm được chế biến đúng cách, đủ chín (không bị tình trạng ngoài chín, trong sống hoặc tái).
Lưu mẫu thực phẩm; thời gian từ lúc chế biến đến khi ăn; cảm quan thức ăn: tốt nhất là thầy cô ăn cùng với các em HS (ở Nhật hay làm vậy); giám sát người tham gia chế biến và phục vụ ăn uống: trang phục; sức khỏe (có mắc bệnh lây nhiễm); thao tác… Các trường học bán trú ở Nhật luôn có ít nhất một tiết chế viên để kiểm soát việc ăn uống.
Nguồn: tuoitre.vn