11 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại nhà già làng Lâm Ươn ở ấp 5, xã Nha Bích (Chơn Thành). Sau khi chào khách, ông để chúng tôi ngồi lại với bà Lâm Thị Xý – vợ ông. Khoảng 5 phút sau, ông trở lại với chiếc áo mới và tự tay rót trà mời khách.

Đầu câu chuyện chúng tôi muốn biết già năm nay được bao nhiêu “mùa rẫy”, già làng Lâm Ươn trả lời: “Sáu tư theo giấy tờ, thật ra phải sáu sáu, sáu bảy; còn bả bảy mươi”. Nhìn ánh mắt hoạt bát, điệu bộ nhanh nhẹn, tóc uốn gọn gàng, chúng tôi thêm một bất ngờ nên hỏi: “Cô đã bảy mươi tuổi?” – “Ừ, có giấy tờ chứng minh mà” – “Chúng cháu nhìn cô chỉ chừng sáu mươi”. Bà Xý cười khăng khắc vì sự đoán nhầm của chúng tôi và tự hào nói: “Tôi làm dữ lắm à. Việc nhà, việc xã hội không thua kém ổng đâu. Ổng làm việc của già làng, tôi làm việc của phụ nữ. Làm bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm được khen thưởng”.

“NÓI MÀ KHÔNG THẤY THỰC TẾ THÌ KHÔNG AI NGHE”

“Gãy tay rồi, không làm được gì nữa. Cái tay này đã tốn cả chục triệu đồng, đi thành phố chữa rồi mà 4 tháng nay chưa khỏi. Tốn tiền cũng được, miễn lành lại để còn làm việc, ngồi một chỗ khó chịu lắm” – vừa nói bà Xý vừa cố gỡ cánh tay bị gãy ra khỏi cái gạt treo quàng qua cổ. “Tôi gãy tay ngồi một chỗ, công việc mấy đứa không làm được, ổng hay la lắm, la cả tôi nữa. Ổng và thằng cháu nội vừa đi trút mủ về. Mờ sáng ba nó cạo cho rồi đi làm. Hai ông cháu có trách nhiệm trút mủ bán lấy tiền” – bà Xý vừa nói vừa ngó sang chồng với ánh mắt thân thương.

Vợ chồng già làng Lâm Ươn chia sẻ về sự nỗ lực làm việc của mình

Bà Xý bán tạp hóa tại nhà. Trước khi bị gãy tay, bà còn bán bún, hủ tiếu vào buổi sáng. Ngày trước bà gói bánh ít, làm bánh cam bỏ mối cho các quán ngoài đường lộ, bán chuối chiên. Bà còn nuôi heo nái để bán cả heo giống và heo thịt. “Từ nhỏ tôi đã ham làm rồi. Giờ nhà tôi trồng đủ loại rau, bầu bí, ăn không hết thì đem đi bán chứ không phải đi mua của ai. Gãy tay tôi mới phải mua của người ta… Nói chung, việc gì kiếm ra tiền chính đáng là tôi làm. Không thì sao nuôi được 9 đứa con, rồi lo cho chúng ít vốn khi lập gia đình. Giờ vợ chồng chỉ còn hơn 1 ha cao su đang cạo” – bà Xý phân trần.

Chúng tôi hỏi: “Làm nhiều vậy, cô chú tham gia hoạt động xã hội như thế nào?”. “Công việc của vợ chồng tôi tham gia không phải ai muốn cũng làm được. Vận động người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phải hiểu và có năng khiếu, trách nhiệm. Vợ chồng tôi cũng là đồng bào dân tộc thiểu số nên gần gũi hơn trong cuộc sống hằng ngày, vì vậy phải làm gương thì người ta mới nghe. Ví dụ vợ chồng tôi chăm chỉ lao động để không bị đói nghèo, con cái được đi học. Kết quả như thế nào người dân trong ấp đều biết, có như vậy mới vận động được cha mẹ các cháu cho con đến lớp. Đồng bào chúng tôi nếu chỉ nói mà không thấy thực tế thì họ không nghe” – già Ươn nói.

NIỀM VUI LỚN NHẤT

Dù chỉ mới học hết lớp 2, song già Ươn rất rành tiếng phổ thông và các phép tính. Cuốn sổ ghi chép của già về những việc của ấp rất rõ ràng, không khó khăn gì khi chúng tôi muốn tìm hiểu những thông tin của ấp. Trong đợt tuyên truyền, vận động người dân về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, già đã phối hợp với ban ấp dùng loa tay đi tới các ngõ hẻm, những chỗ thưa dân để tuyên truyền về cuộc bầu cử cho bà con hiểu. Với những cử tri lớn tuổi, mắt kém, không biết đọc, già giúp họ đọc tiểu sử ứng  cử viên để tránh bỏ phiếu theo cảm tính hoặc nhờ người bỏ phiếu.

Khoảng mười năm trước, ấp 5 vẫn chưa có điện. Già Ươn mong có ánh điện để “khai sáng” cho đồng bào mình. Thế là già cùng cán bộ thôn đi vận động nhân dân chuẩn bị tiền, đến từng nhà ghi tên, lập danh sách những hộ có nhu cầu và khả năng đóng góp. Sau đó đến Điện lực Chơn Thành xin kéo điện về ấp, còn lại từng hộ tự kéo về nhà mình. Từ uy tín cá nhân và sự gần gũi trong cuộc sống, già được mọi người tin tưởng và hứa thực hiện những điều mà già chỉ bảo. Trò chuyện với chúng tôi, già còn khoe một xấp tài liệu gồm 50 câu hỏi – đáp của MTTQ gửi cho mình nghiên cứu về vai trò tập hợp, giữ gìn đoàn kết dân tộc mà già là một mắt xích trong đó.

Không thua kém chồng, bà Xý tuy không biết chữ nhưng trước đây với vai trò Chi hội phó phụ nữ ấp, bà tổ chức cho hội viên đi giao lưu khắp nơi, lúc thì ở huyện, khi về tỉnh. Ngoài giờ lao động vất vả, chị em được cán bộ phụ nữ tổ chức các hoạt động vui chơi, múa hát thì ủng hộ nhiệt tình. Bà rất tự hào chỉ cho chúng tôi xem những tấm giấy khen của các cấp dành tặng và kể: “Ngày trước, dân trí ở đây còn thấp, sốt xuất huyết hoành hành. Người bệnh nhiều, lại không có tiền đi chữa trị. Lúc đó chỉ biết con muỗi làm cho người dân bệnh nên phải diệt. Tôi đi bộ khắp vùng (hồi đó chưa có xe đạp – PV), đến từng nhà vận động bà con khơi thông dòng chảy mương thoát nước, phát quang bờ bụi, đậy kín các vật dụng chứa nước. Thấy bà con làm theo rồi đạt hiệu quả mình vui dữ lắm!”.

“Ấp 5 hiện có 236 hộ với 952 người, trong đó 122 hộ Khơme. Dân trí nâng lên nên việc tuyên truyền vận động không vất vả như trước. Có đi thì cũng bằng xe máy. Lâu lâu tôi chỉ hội họp theo giấy mời của xã, huyện. Còn lại tập trung thời gian phát triển kinh tế gia đình, phụng dưỡng mẹ già gần 100 tuổi không đi lại được. Giờ bà con đã biết làm ăn, trong ấp có nhiều người tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Đó là niềm vui lớn nhất của tôi” – già Ươn chia sẻ.

Già Ươn đi bộ đội năm 1972 tại Đại đội 31 thuộc Tiểu đoàn 208 ở Lộc Ninh. “Giải phóng xong, mình còn lành lặn là may mắn lắm rồi! Tôi xin ra quân về lo cho gia đình” – già bộc bạch. Dù đã tham gia chiến đấu nhưng ông không vào hội cựu chiến binh. Ông lý giải, nếu tham gia thì phải tích cực, trong khi đã tham gia các hội nông dân, chữ thập đỏ, người cao tuổi, hội đồng già làng… Làm không được, nói không ai nghe nữa.

Nguồn: Báo Bình Phước 

Từ khóa : Đồng BàoGià lànglàm gương

Các tin liên quan đến bài viết