Với giá trị 2,5 tỉ USD, Viettel đã trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017 đẩy Vinamilk xuống vị trí thứ hai với 1,4 tỉ USD.
Thông tin được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và công ty về định giá thương hiệu Brand Finance công bố tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2017 diễn ra sáng 4-12.
Đứng đầu trong “Top 50 thương hiệu Việt Nam” năm nay là Viettel khi được định giá 2,5 tỉ USD cho thương hiệu của mình.
Vinamilk, quán quân của năm trước, đã lùi về vị trí thứ hai với giá trị gần 1,4 tỉ USD.
Xếp vị trí thứ 3 là VNPT với trị giá 726 triệu USD, tiếp đến là Vinhomes có giá trị 604 triệu USD và thương hiệu bia Sabeco xếp thứ 5 với giá trị 598 triệu USD.
Mặc dù không phải là thương hiệu có giá trị nhất, nhưng Thế giới Di động lại thương thương hiệu mạnh nhất Việt Nam và đứng vị trí 15 trong danh sách các thương hiệu giá trị.
Theo ông Samir Dixit, Giám đốc vùng châu Á Thái Bình Dương của Brand Finance, giá trị thương hiệu của Top 50 đã tăng 32% so với năm 2016. Tuy nhiên, ông Dixit cho biết 68% tổng giá trị thương hiệu đang thuộc về “top 10”.
Trong danh sách top 50 được công bố cũng có tới 15 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia.
Đáng chú ý, năm nay có thêm 11 thương hiệu mới xuất hiện trong Top 50, có nghĩa là 11 thương hiệu bị loại.
Ông Samir Dixit cho rằng việc định giá thương hiệu có vai trò lớn khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, hay thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A).
Tuy nhiên, việc định giá thương hiệu ở Việt Nam đang còn nhiều bất cập, khiến cho các giao dịch M&A ở Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Còn theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng gián đốc AVM Vietnam, đồng sáng lập Diễn đàn M&A Việt Nam, ở Việt Nam mới dừng ở góc độ tự đánh giá về thương hiệu và làm công tác tuyền thông.
Chẳng hạn, theo ông Minh, thương hiệu Kem Tràng Tiền, giá trị công ty khi cổ phần hóa chỉ 3 tỉ đồng, nhưng khi chuyển nhượng có mức giá 500 tỉ đồng và giá trị thương hiệu được định mức là 150 tỉ đồng.
“Việc định giá thương hiệu còn tự phát, các bên thực hiện tự giao dịch với nhau. Đặc biệt các công ty nhà nước khi cổ phần hóa thường sẽ để quên tài sản vô hình. Việc định giá cũng không đơn giản, đặc biệt khi tiếp cận thông tin doanh nghiệp, chỉ có báo cáo tài chính, trong khi không có thông tin khác chưa có nhiều”, ông Minh nhìn nhận.
Do đó, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần ban hành những cơ sở pháp lý rõ ràng hơn về định giá thương hiệu vì ở quốc tế tất cả tài sản đều có tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể trong khi ở Việt Nam vấn đề này còn mới.
Nguồn: tuoitre.vn