Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ khi còn là Thủ tướng đã đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ Việt Nam soạn thảo báo cáo 2045 do WB đã có kinh nghiệm làm báo cáo 2035 cho Chính phủ Việt Nam.
Ngày càng nhiều quốc gia muốn làm ăn kinh doanh với các nước có nền kinh tế carbon thấp. Nếu bạn bị bỏ lại phía sau trong việc gia nhập nhóm nền kinh tế carbon thấp, bạn sẽ mất đi cơ hội.
Bà Victoria Kwakwa
Theo tôi, có một số vấn đề quan trọng để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển với thu nhập cao vào năm 2045, kỷ niệm 100 năm lập nước.
1. Nâng cao năng suất. Việt Nam cần hướng tới các hoạt động tạo ra năng suất cao hơn để tiến lên trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Do đó một mô hình tăng trưởng mới là cần thiết, trong đó chú trọng xây dựng nền tảng để tăng năng suất, không chỉ là giải ngân vốn đầu tư mà còn chuyển đổi từ lao động kỹ năng thấp sang lao động kỹ năng cao.
Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi này nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa. Ví dụ gạo là mặt hàng Việt Nam rất có thế mạnh sản xuất. Nếu chúng ta áp dụng mô hình tăng trưởng mới trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, đó là một hướng đi tiềm năng.
Đổi mới và chuyển đổi số cũng là một lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy năng suất. Dịch bệnh COVID-19 là chất xúc tác giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam và bao trùm nhiều lĩnh vực như ngân hàng, sức khỏe, qua đó nâng năng suất lao động.
2. Theo đuổi tăng trưởng xanh. Ngày càng nhiều quốc gia muốn làm ăn kinh doanh với các nước có nền kinh tế carbon thấp. Nếu bạn bị bỏ lại phía sau trong việc gia nhập nhóm nền kinh tế carbon thấp, bạn sẽ mất đi cơ hội.
Tăng trưởng xanh sẽ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai, dù đó là ở lĩnh vực năng lượng hay giao thông vận tải.
Năng lượng mặt trời, điện gió và các loại năng lượng tái tạo sẽ dần dần giúp Việt Nam bớt phụ thuộc vào than đá, vốn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nhưng tăng trưởng xanh sẽ không diễn ra trong một đêm.
Việt Nam cần nhìn lại tất cả các khoản đầu tư của mình và xem có thể biến chúng thành những khoản đầu tư xanh hay không. Ví dụ Việt Nam có hệ thống sông ngòi phong phú nên có nhiều lợi thế phát triển hệ thống giao thông đường thủy, do đó cần nâng cấp và tạo ra một mạng lưới giao thông đường thủy mạnh hơn nữa.
Nhiều nước bắt đầu có kế hoạch điều chỉnh thuế carbon. Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch áp dụng thuế biên giới carbon đầu tiên trên thế giới, tức đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia phát thải nhiều carbon hơn của EU. Nếu Việt Nam có chính sách giảm phát thải carbon thì đây là lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam trong tương lai.
Một vấn đề quan trọng tôi muốn đề cập thêm là biến đổi khí hậu. Nhiều khu vực ở Việt Nam đang sụt lún và đất nước các bạn cũng đang đối mặt nhiều vấn đề khó khăn do nạn xâm nhập mặn gây ra.
Tất cả các yếu tố này khiến ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, Việt Nam cần giải quyết những vấn đề này bởi nó tác động đến khả năng gia tăng năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp.
3. Cải cách thể chế. Trong Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 đặt mục tiêu giúp Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035, chúng tôi nhấn mạnh việc cải cách thể chế.
Hiện Việt Nam chưa có đủ thể chế tốt để trở thành một quốc gia thu nhập cao, do đó các bạn cần tiếp tục xây dựng thể chế bằng cách xây dựng nền quản trị tốt, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội và đạt được các mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao.
WB đang tìm cách giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện các khoản đầu tư mang lại năng suất cao, với sự tham gia của lĩnh vực tư nhân năng động, bởi nếu đi theo con đường này, một mình lĩnh vực công là chưa đủ.
Ví dụ Việt Nam đang gặp khó khăn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chúng tôi đang làm việc với Chính phủ Việt Nam để tìm các giải pháp tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia chủ động hơn vào lĩnh vực quan trọng này.
Nếu bạn đã có sẵn chiến lược và kế hoạch, thách thức chính là làm sao thực hiện nó hiệu quả. Cải cách thể chế có thể giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ để đạt được các mục tiêu đề ra.
Tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ bây giờ các bạn cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới, với sự hỗ trợ của thị trường, công nghệ và khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh và mục tiêu tăng trưởng xanh.
Đầu tư cho các bạn trẻ
Để phục vụ mô hình tăng trưởng mới này, bạn cần những lao động tay nghề cao làm việc trong những lĩnh vực có năng suất cao. Để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2045, chúng ta cần hỗ trợ nhiều hơn cho giáo dục bậc cao và đào tạo nghề ngay từ bây giờ.
Các bạn trẻ Việt Nam rất có tiềm năng nên hãy đặt mục tiêu lớn cho bản thân, ví dụ tại sao không nghĩ tạo ra một công ty công nghệ lớn như Google hay tạo ra một sản phẩm y sinh nổi tiếng có sức ảnh hưởng toàn cầu. Hãy đầu tư giáo dục chất lượng cho các bạn trẻ bởi họ chính là thế hệ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao.
Nguồn: tuoitre.vn