Cùng với chủ trương tắt sóng 2G, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy việc sản xuất ra những chiếc smartphone Việt Nam với giá bán chỉ 500.000 đồng để phổ cập tới tất cả người dùng di động.
Sáng 2/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước Quý 1/2020 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT). Tại đây, nhiều vấn đề của ngành TT&TT đã được chỉ ra, trong đó, đáng chú ý là những định hướng mới mà Bộ TT&TT đang dự định sẽ triển khai trong thời gian tới.
Phổ cập smartphone toàn dân giá 500.000 đồng
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục tập trung hành động nhằm nâng cao thứ hạng Việt Nam về ICT với khẩu hiệu hành động: làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá.
Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước Quý 1/2020 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT). |
Năm 2020 cũng là năm triển khai bộ mã bưu chính quốc gia đến địa chỉ từng hộ gia đình, làm cơ sở để phát triển chính phủ điện tử. Đây cũng là năm đẩy nhanh việc phổ cập điện thoại thông minh.
Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ có chương trình phổ cập điện thoại thông minh tới 100% dân số. Điều này được thực hiện thông qua việc sản xuất những chiếc điện thoại thông minh Việt Nam với giá chỉ 45-50USD.
Bên cạnh đó, nhà mạng sẽ bù giá 10 USD, các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng. Với chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, điều này sẽ giúp giảm bớt giá thành sản phẩm thêm khoảng 10 USD.
Cộng với việc trợ giá từ nhà sản xuất, giá bán những chiếc smartphone Việt đến tay người dân sẽ chỉ còn khoảng 20 USD, tức là chưa đến 500.000 đồng. Khi 100% người dân sử dụng smartphone, điều này sẽ rất thuận lợi cho việc triển khai chính phủ điện tử.
Những điều “đầu tiên” của ngành TT&TT trong năm 2020
2020 là năm mà Đảng và Nhà nước thêm 2 nội hàm mới vào 3 đột phá chiến lược. Các nội hàm này bao gồm đổi mới khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng với đó là phát huy tinh thần và khát vọng Việt Nam. Cả 2 nội hàm đều liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành TT&TT.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2020 là năm đầu tiên mà nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử quay về Bộ TT&TT. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam bắt đầu chương trình chính phủ số.
Cũng trong năm nay, 100% các tỉnh và bộ ngành trên cả nước sẽ có nền tảng chia sẻ kết nối dữ liệu, có trung tâm an toàn an ninh mạng (SoC), 100% triển khai 4 lớp để bảo vệ hệ thống thông tin.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. |
2020 là năm ra tuyên bố về Chính phủ điện tử Việt Nam dựa trên nền tảng di động, cung cấp dịch vụ trên nền di động. Đây cũng là năm đầu chúng ta có hệ thống giám sát quốc gia đo đạc về chính phủ điện tử, cùng với các số liệu chính xác hơn.
Năm nay cũng chứng kiến việc Việt Nam có đủ hệ sinh thái an toàn an ninh mạng. Các sản phẩm an ninh mạng sẽ là sản phẩm Make in Vietnam. Đây là năm phát triển công nghệ số Việt Nam, và cũng là năm Việt Nam làm chủ thiết bị hạ tầng viễn thông, đặc biệt là thiết bị 5G.
Theo người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ sẽ quay lại với việc lập kế hoạch phát triển các lĩnh vực của ngành, nhất là hạ tầng viễn thông, hạ tầng số và đặc biệt là làm với cấp sở. 2020 cũng là năm đầu tiến hành triển khai hệ thống đo đạc các chỉ số phát triển ngành từ cấp sở đến cấp bộ. Đây là năm đầu tiên Bộ TT&TT cử người đi biệt phái ở các địa phương.
“Trước đây quản lý nhà nước thường chỉ nhìn vào việc ra được bao nhiêu thông tư, nghị định. Giờ đây, chúng ta sẽ nhìn theo góc độ ngành này có phát triển không? Thông tư, nghị định mới có tạo ra không gian phát triển mới hay kìm hãm sự phát triển?”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
2020 là năm đầu tiến hành triển khai hệ thống đo đạc các chỉ số phát triển ngành từ cấp sở đến cấp bộ |
Đối với lĩnh vực tuyên truyền, năm 2020 là năm hoàn tất việc quy hoạch báo chí. Việc quy hoạch báo chí của các hội đã được thực hiện hoàn tất trong tháng 2. Với những tờ báo thuộc các sở, các bộ, Bộ TT&TT sẽ hoàn thành việc quy hoạch trong năm nay. Đây cũng là năm đẩy mạnh đào tạo, đưa công nghệ số vào lĩnh vực báo chí.
Để bảo vệ cho đại hội Đảng các cấp, Bộ TT&TT đã thành lập một tổ công tác về nhân sự quy hoạch thông qua việc bám sát, theo dõi, xác minh và gỡ bỏ những thông tin sai sự thật trên không gian mạng về các đồng chí lãnh đạo và các đồng chí nằm trong quy hoạch.
Năm 2020 là năm mà các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ TT&TT sẽ có những hành động mạnh tay để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới khi làm ăn ở Việt Nam, thu tiền ở Việt Nam phải giúp Việt Nam thịnh vượng và tuân thủ luật pháp.
2020 cũng là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) vào tháng 9. Đây là sự kiện lớn nhất ngành viễn thông từ trước đến nay, với khoảng 130 – 150 nước tham dự.
Việt Nam là nước thứ 2 tại khu vực ASEAN đăng cai tổ chức thành công sự kiện này. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên mà Triển lãm Viễn thông Thế giới (ITU Telecom World) đổi tên thành Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World).
Cùng với việc tổ chức ITU Digital World 2020, Việt Nam đã có đóng góp rất to lớn vào lịch sử của ngành viễn thông toàn cầu khi việc đổi tên triển lãm dựa trên ý tưởng do nước ta đề xuất.
Nguồn: vietnamnet