Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ khởi sắc sau khi làm được điều khác biệt so với phần lớn các nước khác trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020 với những đánh giá lạc quan về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm. Nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội từ ngày 23/4.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, mặc dù ảnh hưởng từ 3 tuần cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc là không hề nhỏ, song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4 vẫn gần tương đương cùng kỳ năm trước và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam, với trên 12 tỷ USD vốn đăng ký trong 4 tháng đầu năm 2020.
Đáng ngạc nhiên là giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết quay đầu bật lại trong tháng 4, tăng 81% so với tháng 3/2020 và 62% so với tháng 4/2019. Tính chung trong 4 tháng, FDI 12,3 tỷ USD, tương đương mức giảm không lớn: 15,5% so cùng kỳ năm trước.
Kinh tế đối ngoại là một trong những điểm sáng của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. |
Theo WB, những hành động chống dịch nhanh chóng và quyết liệt của Việt Nam đã góp phần làm phẳng đường cong lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Đường cong này đi ngang, chỉ có 3 ca nhiễm mới trong 2 tuần qua. Đến 5/5, Việt Nam ghi nhận 271 người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 221 người khỏi bệnh và chưa có ca nào tử vong.
Trích số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), WB cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng đảo chiều tăng lên trong tháng 3 sau khi chững lại trong hai tháng đầu năm 2020. Tăng trưởng tín dụng cuối tháng 3 là 1,3% so với đầu năm – tương đương mức tăng khoảng 11% so cùng kỳ năm trước.
NHNN đã thực hiện gói các biện pháp hỗ trợ từ đầu tháng 3 nhằm cho phép các ngân hàng tái cơ cấu vốn vay và giảm lãi suất cho người vay. NHNN cũng cân nhắc hỗ trợ tăng thanh khoản cho một số ngân hàng thương mại thông qua việc nâng hạn mức tín dụng, cho phép những ngân hàng này tăng các khoản vay cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính.
Tình hình thực hiện ngân sách trong quý đầu năm 2020 là giảm thu và tăng chi, được dự báo cũng là xu hướng cho những tháng còn lại trong năm. Theo Bộ Tài chính, ước thực hiện thu ngân sách trong quý đầu năm 2020 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh hiệu quả thu tốt hơn trong hai tháng đầu trước khi hoạt động kinh tế bị chững lại và kết quả thực hiện giãn nộp thuế có hiệu lực đầy đủ trong tháng 4. Trong quý 1, tổng chi tăng 8,7% (so cùng kỳ năm trước). Mức tăng này được lý giải là do Chính phủ mong muốn đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng quan trọng.
Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng được cho là yếu tố giúp dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam. |
Chờ cú bứt phá từ dòng vốn ngoại
Theo WB, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và mức xếp hạng “ổn định” của Fitch đưa ra gần đây khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.
Trước đó, VinaCapital khi đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 cũng ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm các nước bị ảnh hưởng ít nhất và dự báo sẽ vượt qua cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, mà theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) là tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng.
Gần đây, nhiều tổ chức có những đánh giá tích cực đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam – thước đo của nền kinh tế. Pyn Elite Fund dự báo GDP của Việt Nam trong 2020 sẽ ở mức 3% và quay lại mức 7% trong năm 2021. Chỉ số VN-Index sẽ tăng trưởng tốt trong giai đoạn cuối năm.
Còn Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng, dòng vốn ngoại đang sẵn sàng trở lại TTCK Việt Nam. Đây là điều thường xảy ra mỗi lần kinh tế vĩ mô của Việt Nam trở lại đường ray tăng trưởng sau những biến cố vĩ mô, dòng tiền khối ngoại cũng nhanh nhạy.
Dòng vốn ngoại vẫn không ngừng đổ vào Việt Nam. |
Theo WB, điểm sáng của kinh tế Việt Nam chính là khả năng chống chịu tốt hơn ở phương diện kinh tế đối ngoại. Với kim ngạch xuất khẩu được giữ tương đối vững, FDI bật tăng trở lại và FII được dự báo sẽ hồi phục nhanh chóng,… khả năng hồi phục của nền kinh tế là khá rõ ràng.
Gần đây, nhiều dự báo cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể sẽ tăng mạnh sau đại dịch Covid-19. Theo JLL Việt Nam, dịch Covid-19 đã hạn chế NĐT nước ngoài vào Việt Nam nhưng dòng vốn ngoại sẽ hồi phục nhanh và mạnh sau khi dịch được kiểm soát.
Việt Nam được đánh giá là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài tháng qua đã khiến nhiều quốc gia nhận thấy sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, không chỉ tập trung tại Trung Quốc.
Theo East Asia Forum, mặc dù hạn chế về nguồn lực y tế và có chung đường biên giới dài với Trung Quốc nhưng Việt Nam đang kiểm soát đại dịch thành công. Tất cả là nhờ phản ứng sớm của Chính phủ Việt Nam, sự kết hợp cùng lúc nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng cường nhận thức trong cộng đồng và chung sức chung lòng của người dân cả nước. Còn Forbes nhận định, Việt Nam là quốc gia có người dân cảnh giác với Covid-19 nhất và tin vào chính phủ nhất trong việc phòng chống đại dịch.
Nguồn: vietnamnet