Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn. Mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng triệu tấn dầu thô trong khi vẫn xuất khẩu là có lý do.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị xuất khẩu là trên 1,76 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 9,9 triệu tấn dầu thô với giá trị nhập khẩu là trên 5,15 tỷ USD.

Như vậy, Việt Nam nhập khẩu dầu thô lớn hơn nhiều so với lượng dầu thô xuất khẩu đi.

Lượng dầu thô nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hai nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn và Dung Quất.

Việt Nam hút dầu thô xuất khẩu, nhưng bỏ tỷ USD nhập khẩu về để lọc
Dầu thô của Việt Nam có nhiều loại không phù hợp để lọc dầu

Vì sao vừa xuất khẩu, lại vừa phải nhập khẩu dầu thô?

Chia sẻ với PV.VietNamNet, một chuyên gia dầu khí cho biết điều này liên quan đến chủng loại dầu thô.

Dầu thô trên thế giới có nhiều loại khác nhau và có sự khác biệt về tính chất. Có loại dầu sản xuất ra nhiều xăng, có loại dầu thô lại sản xuất ra nhiều D0, có loại có thể sản xuất được dầu nhờn nhưng có loại không thể sản xuất được dầu nhờn. Có loại sản xuất được nhựa đường nhưng có loại không thể sản xuất được nhựa đường. Ngoài ra, có loại dầu thô chứa nhiều tạp chất, có loại dầu thô ít tạp chất.

Nhà máy lọc dầu thông thường được thiết kế chỉ để chế biến một số loại dầu thô nhất định, không phải loại dầu thô nào đưa vào sản xuất cũng được và không phải loại dầu thô nào đưa vào sản xuất cũng có hiệu quả tối ưu.

Chính vì thế, có loại dầu thô Việt Nam sản xuất ra không phù hợp với nhà máy lọc dầu Dung Quất nên buộc phải xuất khẩu đi thu tiền về, và mua loại dầu thô phù hợp về để chế biến. Tất nhiên, nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất thiết kế ban đầu là để tiêu thụ dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ ngày càng ít và một số mỏ có dầu thô khác với công nghệ được thiết kế cho lọc dầu Dung Quất. Cho nên Việt Nam phải bán các loại dầu đó đi để nhập về những loại dầu thô phù hợp với thiết kế của nhà máy này.

Thiết bị quan trọng của nhà máy lọc dầu là tháp chưng cất. Tháp chưng cất này được thiết kế theo đúng tính chất của nguyên liệu. Nếu đưa nguyên liệu (dầu thô) khác vào thì tháp chưng cất đó không hoạt động được hoặc hoạt động với hiệu suất thấp.

Việt Nam hút dầu thô xuất khẩu, nhưng bỏ tỷ USD nhập khẩu về để lọc
Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Nếu muốn chế biến được các loại dầu thô khác, nhà máy lọc dầu sẽ phải đầu tư thêm công nghệ, các phân xưởng để phù hợp.

Thực tế, năm 2019, Lọc dầu Dung Quất đã đưa 2 loại dầu thô mới vào chế biến là dầu WTI Midland (Mỹ) và dầu Bonny Light (Nigeria). Cụ thể, tháng 4/2019, BSR chế biến lô dầu WTI Midland thử nghiệm đầu tiên với khối lượng khoảng 995.000 thùng. Cuối tháng 10/2019, BSR tiếp tục đưa vào chế biến thử nghiệm lô dầu thô Bonny Light của Nigeria và đạt tỷ lệ chế biến ở 50% thể tích tại 107% công suất CDU và 100% công suất RFCC.

Việc chế biến thành công dầu thô WTI mở ra cơ hội cho BSR đa dạng hoá nguồn dầu thô nhập khẩu, trong bối cảnh nguồn dầu thô Bạch Hổ trong nước suy giảm, qua đó nâng cao hiệu quả chế biến nhờ giá dầu thô WTI khá cạnh tranh.

Tiếp đó, từ ngày 13 đến 18/7/2020, NMLD Dung Quất đã tiến hành chế biến thử nghiệm dầu Sokol với tỷ lệ phối trộn lên tới 20%. Với chế độ vận hành linh hoạt, khi NMLD Dung Quất chế biến dầu Sokol với tỷ lên 20% thể tích, đồng thời tăng khối lượng dầu khác lên thì tỷ lệ dầu thô Bạch Hổ đã giảm còn khoảng 29%. Kết quả chế biến thử nghiệm cho thấy có thể xem xét thay thế dần dần dầu thô Bạch Hổ trong thời gian tới, vốn đã suy giảm sản lượng và chất lượng.

Theo đánh giá ban đầu khi vận hành 109% công suất ở phân xưởng Chưng cất dầu thô, hỗn hợp dầu Sokol và các loại dầu khác cho chất lượng sản phẩm Jet-A1 đáp ứng thông số kỹ thuật. Do đặc thù dầu Sokol chứa nhiều lưu huỳnh nên BSR phải tăng công suất phân xưởng Thu hồi lưu huỳnh 2 (SRU2).

Ngoài ra, khi chế biến dầu Sokol ở tỷ lệ cao có nguy cơ hàm lượng SOx phát thải ra môi trường vượt ngưỡng cho phép, do đó việc chế biến dầu Sokol cần tính toán và phối trộn với các loại dầu khác đi kèm nhằm kiểm soát hàm lượng SOx trong khói thải, đảm bảo tuân thủ tuyệt đối quy định về môi trường.

Một lý do nữa, đó là đối với các lô dầu thô Việt Nam khai thác, Nhà máy lọc dầu Dung Quất để mua được cũng phải tham gia đấu thầu. Bởi lẽ nhiều mỏ dầu PVN khai thác lại là có sự tham gia của đối tác nước ngoài, trong khi đó lọc dầu Dung Quất cũng là công ty cổ phần, không phải công ty 100% vốn Nhà nước nên phải đấu thầu.

Vì thế nếu lọc dầu Dung Quất trả giá thấp hơn các đơn vị khác tham gia đấu thầu thì sẽ không mua được nên phải nhập khẩu từ nguồn khác bù vào. Đặc biệt, có nhiều thời điểm mua từ nguồn khác rẻ hơn là đấu thầu ở các mỏ trong nước.

Như vậy, việc Việt Nam vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu dầu thô thuần túy là yếu tố kỹ thuật và kinh tế, để việc vận hành các nhà máy lọc dầu được thông suốt và hiệu quả.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : dầu thôkhai thác dầulọc dầu

Các tin liên quan đến bài viết