Cho rằng bị cáo Đinh Văn Dũng cùng đồng phạm tổ chức bán bò của Công ty Bình Hà và chiếm đoạt tiền của BIDV thông qua việc này, Viện kiểm sát đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo trong đại án BIDV - Ảnh 1.

Bị cáo Đinh Văn Dũng trả lời thẩm vấn tại tòa

Chiều 28-6, phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của 3 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang phần tranh luận.

Mở đầu, đại diện Viện kiểm sát (VKS) nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của 3 bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (cựu giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu giám đốc Công ty Hà Nam, vợ ông Dũng) và kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Theo VKS, dựa vào lời khai của những người khác đã có đủ căn cứ xác định dưới sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng (con trai ông Hà, đã bỏ trốn), Đinh Văn Dũng cùng đồng phạm đã tổ chức bán bò của Công ty Bình Hà và chiếm đoạt tiền của BIDV thông qua việc này. Trong đó cá nhân Dũng trực tiếp chiếm đoạt 11 tỉ đồng.

Tại tòa, ông Lâm Tăng Khoát (giám đốc Công ty cổ phần kỹ thuật Hantechco, công ty môi giới) khẳng định được bị cáo Dũng nhờ bán bò ra thị trường. Sau khi bán bò, bị cáo Dũng chỉ đạo ông Khoát chuyển tiền vào tài khoản mà bị cáo yêu cầu, trong đó có cả tài khoản của Công ty Bình Hà và tài khoản mang tên cá nhân bị cáo.

VKS cho rằng hai vợ chồng Đoàn Hồng Dũng đã lợi dụng sự tin tưởng của BIDV để bán tài sản đảm bảo và chiếm đoạt 263 tỉ đồng.

Trước đó, trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Đinh Văn Dũng giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan và khẳng định không chỉ đạo việc thu tiền bán bò trong dự án.

Bị cáo thừa nhận dù là tổng giám đốc Công ty Bình Hà, tuy nhiên “không phải việc gì cũng được quyết”, vì vậy việc bản án sơ thẩm quy kết ông chiếm đoạt tiền mua bán bò là chưa thỏa đáng, chưa hợp lý.

Tại tòa, 2 vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng đều mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn cho biết bản thân không trực tiếp kinh doanh nhiều mà chỉ làm theo chỉ đạo của chồng.

Với số tiền bị quy kết chiếm đoạt hơn 260 tỉ đồng, nữ bị cáo cho rằng đang nhờ người thân, gia đình đỡ đần để có thể trả nợ dần theo lộ trình.

Viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo trong đại án BIDV - Ảnh 2.

Đại diện VKS tại tòa 

Về kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là chị Trần Lan Phương, con gái ông Trần Bắc Hà, người thừa kế quyền và nghĩa vụ về kháng cáo của mẹ đẻ là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Hà, đã chết trước phiên phúc thẩm) không đồng ý với việc phong tỏa, kê biên tài sản đã tuyên ở bản án sơ thẩm.

Chị Phương cho rằng trong số những tài sản bị kê biên của hai vợ chồng ông Trần Bắc Hà, có hai bất động sản ở TP.HCM là tài sản riêng của bà Lan.

“Bất động sản tại số 60A Bà Huyện Thanh Quan là do mẹ tôi được em gái tặng năm 2013. Còn bất động sản ở TP Thủ Đức mẹ tôi tự mua từ năm 2005. Bởi vậy đây không thể được coi là tài sản chung của bố mẹ tôi”, chị Phương nói.

Về vấn đề này, VKS nhận thấy các tài sản đứng tên bà Lan bị kê biên đều hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên ông Hà có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản.

Bên cạnh đó, vợ chồng ông Hà có hai người con là Tùng và Phương nên tài sản này cả hai đều có quyền thừa kế. Tuy nhiên, Tùng đang bỏ trốn nên cần tiếp tục kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án.

Đầu năm 2015, ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch BIDV) trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về chủ trương thành lập dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ứng dụng công nghệ cao.

Ông Hà cam kết BIDV là đơn vị tài trợ vốn, đồng thời giới thiệu hai nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, do Trần Duy Tùng (con trai ông Hà) đang là tổng giám đốc Công ty An Phú nên theo quy định BIDV không được cấp tín dụng cho liên danh này.

Để hợp thức hóa, ông Hà chủ trương thành lập Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà). Quá trình hoạt động, Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà và là lái xe cho Tùng) và Đinh Văn Dũng luân phiên giữ chức tổng giám đốc công ty.

Tháng 4-2015, Đinh Văn Dũng ký công văn đề nghị BIDV chấp thuận cung cấp vốn tín dụng cho dự án đầu tư chăn nuôi bò của công ty Bình Hà.

Tính đến ngày 9-11-2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho công ty Bình Hà số tiền vay hơn 2.600 tỉ đồng, trong đó số tiền không có khả năng thu hồi đến nay là hơn 799 tỉ đồng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bác kháng cáobắt động sảnBIDVDự án chăn nuôi bòngân hàng BIDV

Các tin liên quan đến bài viết