Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tiến hành các cuộc điều tra nhắm vào các chính trị gia, công chức và giới tài phiệt có liên quan tham nhũng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp với các lãnh đạo châu Âu trong Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 3-2-2023
Khi Ukraine nghiêm túc chống tham nhũng
Mới đây nhất, cuối ngày 5-2, Ukraine thông báo sẽ chuyển công tác của Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov.
Ông Kyrylo Budanov, giám đốc tình báo quân đội, sẽ thay ông Reznikov, người vướng bê bối tham nhũng trong những tuần gần đây.
Theo truyền hình Đức DW, chính quyền Ukraine đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Từ đầu tháng 2-2023, họ đã tiến hành nhiều vụ khám xét cũng như bãi nhiệm nhiều cán bộ.
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) xác nhận họ đã khám nhà của nhà tài phiệt Ihor Kolomoiskiy.
Ông Kolomoiskiy có liên quan đến vụ biển thủ 40 tỉ hryvnia Ukraine (khoảng 980 triệu euro/1 tỉ USD) của ban quản lý cũ thuộc công ty khai thác dầu mỏ lớn nhất Ukraine Ukrnafta và công ty điều hành đường ống Ukrtransnafta.
Theo Đài DW, ông Kolomoiskiy có cổ phần trong cả hai công ty có một phần sở hữu nhà nước này. Năm ngoái, các công ty đó được quốc hữu hóa hoàn toàn theo thiết quân luật của Ukraine.
Cơ quan điều tra nhà nước Ukraine (DBR) thông báo một cựu bộ trưởng năng lượng và ngành than cũng bị điều tra.
Báo chí Ukraine suy đoán người này là Ihor Nasalyk. Ông Nasalyk bị cáo buộc đã ký các hợp đồng có lợi cho các công ty liên kết với nhà tài phiệt Ukraine Dmytro Firtash (sống ở Áo nhiều năm qua). Các giao dịch đáng ngờ đã làm thiệt hại cho Ukraine 1,5 tỉ hryvnia (khoảng 35 triệu euro/37 triệu USD).
SBU và DBR cũng đã khám nhà của cựu bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov. Ông Avakov cho biết việc khám nhà liên quan vụ tai nạn máy bay trực thăng ở Brovary (ngoại ô Kiev).
Trong vụ tai nạn, Bộ trưởng Nội vụ Denys Monastyrsky và 9 người khác bị thiệt mạng. Hiện hợp đồng mua máy bay trực thăng Airbus có số hiệu H225 của Bộ Nội vụ đang được các nhà điều tra chú ý.
Báo chí cũng đưa tin về các cuộc khám xét tại các cơ sở có liên quan đến đại diện của các công ty xây dựng có trụ sở tại Kiev do một chính trị gia người Ukraine điều hành. Người này từng tham gia các tổ chức thân Nga, trong đó có Đảng For Life – hiện bị cấm ở Ukraine.
DBR cũng khám xét văn phòng Bộ Tài chính ở Kiev và phát hiện những phi vụ trị giá hàng triệu USD tại đây.
Các cuộc điều tra cũng nhắm đến các cựu nhân viên ở Bộ Quốc phòng Ukraine. Một cựu trưởng phòng của bộ này bị nghi biển thủ một số tiền lớn cùng các hành vi sai trái khác.
Một cựu thứ trưởng quốc phòng bị cáo buộc cản trở công việc của lực lượng vũ trang Ukraine và các cơ quan quân sự khác vào những thời điểm quan trọng.
Các nhà điều tra cho rằng người này còn nâng giá các hợp đồng mua thực phẩm cho quân đội để hưởng lợi.
Thực phẩm được mua với giá cao trong khi các giao dịch mua áo chống đạn, mũ cối, quân phục và các loại quân trang khác có chất lượng kém.
Chính phủ cũng đã sa thải hầu hết các quan chức hàng đầu tại Cơ quan Hải quan Ukraine và nhiều cơ quan khác.
Một mũi tên trúng hai đích
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp với các lãnh đạo châu Âu trong Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 3-2-2023
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hài lòng với các cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô toàn quốc. Ông nhấn mạnh “trong một số lĩnh vực, sự nghiêm minh của luật pháp chỉ có thể được duy trì với sự cải tổ bộ máy và thay đổi dàn lãnh đạo”.
Ông Volodymyr Fesenko, chuyên gia về khoa học chính trị đồng thời là giám đốc Trung tâm chính trị ứng dụng Penta, cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng công khai hiện nay giúp Tổng thống Zelensky bắn một mũi tên trúng hai đích.
Đây là một trong những cuộc chiến chống tham nhũng lớn nhất của Ukraine. Không phải ngẫu nhiên mà điều này diễn ra ngay trước Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Kiev vào đầu tháng 2-2023. Chống tham nhũng thành công là một trong những tiêu chí để Ukraine có thể gia nhập châu Âu, ông Fesenko nói.
Ngoài ra, chiến dịch chống tham nhũng này cũng giúp Tổng thống Zelensky “ghi điểm” với công chúng, những người muốn các quan chức tham nhũng bị trừng phạt.
Mykola Khavroniuk, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu cải cách chính trị và pháp lý ở Ukraine, cho rằng “để chống tham nhũng hiệu quả, nhà chức trách phải thu thập bằng chứng về các hoạt động bất hợp pháp trong một thời gian dài. Không nên chỉ chống tham nhũng theo phong trào, chẳng hạn như để lấy điểm trước một hội nghị thượng đỉnh”.
Giới quan sát nhận định, sự sống còn của Ukraine trong cuộc chiến có liên hệ mật thiết với sự ủng hộ quốc tế.
Ông Zelensky cũng ngầm xác nhận điều này khi cho biết Ukraine đang củng cố lòng tin của nhân dân, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để có được nhiều vũ khí hơn.
Ukraine rất muốn gia nhập EU và muốn các cuộc họp về tư cách thành viên EU của nước này có thể bắt đầu trong năm 2023. Muốn vậy, Ukraine phải cho EU thấy một Ukraine sạch tham nhũng.
Nguồn: tuoitre.vn