Ukraine đã nhiều lần đề nghị phương Tây chuyển giao các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 kể từ khi cuộc xung đột với Nga bùng phát hồi cuối tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, yêu cầu vẫn chưa được đáp ứng.
Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 25/1 rốt cuộc đồng ý cung cấp xe tăng Leopard 2 do nước này sản xuất cho Ukraine cũng như cho phép các nước khác làm điều tương tự, các quan chức ở Kiev đã tăng cường hối thúc phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu.
Tiêm kích F-16.
Ukraine muốn có các tiêm kích F-16 hoặc F-15 do Mỹ phát triển. Không quân của nhiều nước thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang sở hữu lượng lớn 2 loại chiến đấu cơ này và loại biên chúng dần dần khi được trang bị thêm nhiều tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35.
Theo tạp chí The Economist, nhu cầu tiêm kích của Ukraine đã trở nên cấp bách. Các lực lượng Kiev đang chuẩn bị khởi động một chiến dịch phản kích mùa xuân nhằm giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ, có lẽ trước khi quân Nga xúc tiến làn sóng tấn công tiếp theo. Cho đến nay, Không quân Nga vẫn chưa thiết lập được ưu thế trên không so với Ukraine dù có lợi thế lớn cả về số lượng và khả năng so với đối thủ, vốn dựa chủ yếu vào các chiến đấu cơ Mig-29 và Su-27 có từ thời Liên Xô.
Giới phân tích nhận định, các hệ thống phòng không trên mặt đất, bao gồm các tên lửa đất đối không S-300 có từ những năm 1970 và số lượng lớn tên lửa vác vai do các thành viên NATO cung cấp đã cho phép Không quân Ukraine ứng phó với Không quân Nga và mang tới sự hỗ trợ rất cần thiết cho lực lượng mặt đất. Tuy nhiên, điều này có thể sắp thay đổi.
Ukraine không xác nhận đã mất bao nhiêu máy bay và phi công, nhưng rõ ràng đang cảm thấy ảnh hưởng của tổn thất trong gần một năm xảy ra xung đột. Nghiêm trọng hơn, các vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của quân Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng tại Ukraine đã khiến kho tên lửa phòng không của nước này sụt giảm đến mức thấp nguy hiểm. Trong khi khẩn thiết yêu cầu các đối tác cung cấp thêm nhiều tên lửa vác vai, Ukraine lo ngại rằng, nếu không có F-16 hoặc các chiến đấu cơ khác của phương Tây, khả năng ngăn chặn các lực lượng Moscow giành ưu thế trên không của họ sẽ suy yếu.
Vậy vì sao phương Tây vẫn chưa duyệt yêu cầu trên của Kiev? Một lí do là, một số nhà lãnh đạo, kể cả Tổng thống Mỹ Joe Biden e ngại việc Ukraine dùng F-16 để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, khiến Điện Kremlin coi đó là hành động leo thang và một lần nữa dấy lên đe dọa trả đũa bằng hạt nhân.
Một lí do thường được trích dẫn khác là F-16 rất phức tạp. Phi công cần ít nhất 3 tháng huấn luyện điều khiển, trong khi thợ máy thậm chí cần nhiều thời gian hơn để biết cách bảo dưỡng, sửa chữa. Mẫu tiêm kích này cũng đòi hỏi hỗ trợ hậu cần đáng kể cùng đường băng dài, trơn tru để cất cánh. Ukraine hiện không có đủ các đường băng đạt tiêu chuẩn, dù không quân cho biết đang nâng cấp các sân bay khắp toàn quốc để tiếp nhận các chiến đấu cơ từ phương Tây. Song, các đường băng này có nguy cơ ngay lập tức trở thành mục tiêu bắn phá của quân Nga.
Về lí do đầu tiên, một số nhà quan sát phản bác rằng, tương tự như xe tăng, F-16 có thể trở thành phương tiện tấn công hay phòng thủ tùy theo mục đích sử dụng. Ngoài ra, chuyên gia không quân Justin Bronk thuộc tổ chức tư vấn RUSI lưu ý, việc dùng tiêm kích này nhắm bắn sâu hơn vào lãnh thổ Nga sẽ buộc nó phải đối diện các tên lửa đất đối không của nước láng giềng, bao gồm cả hệ thống rào chắn uy lực, được mệnh danh “rồng lửa” S-400. Do đó, Kiev có lẽ có nhiều phương án tốt hơn để tập kích các mục tiêu từ xa ở Nga.
Lí do thứ hai nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn có thể vượt qua. Theo Douglas Barrie, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, việc đào tạo phi công và các nhân viên mặt đất có thể bắt đầu ngay lập tức, trước khi phương Tây chuyển giao tiêm kích.
Tuy nhiên, phương Tây vẫn chia rẽ về vấn đề này. Hà Lan tuyên bố sẵn sàng gửi F-16 cho Ukraine và Ba Lan đang cân nhắc làm điều tương tự. Song, Tổng thống Biden ngày 30/1 nói, Mỹ sẽ không viện trợ tiêm kích cho quốc gia Đông Âu. Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hiện có cùng quan điểm với Mỹ.
Nguồn: vietnamnet